Hội nghị Thông báo Văn hóa năm 2020: "Đa dạng văn hóa ở Việt Nam: lý luận, thực tiễn và các vấn đề chính sách"

14/12/2020

Sáng ngày 14/12/2020, tại Hội trường tầng 1 - Số 27, Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Viện nghiên cứu Văn hóa đã tổ chức Hội nghị Thông báo văn hóa Năm 2020 với chủ đề “Đa dạng văn hóa ở Việt Nam: lý luận, thực tiễn và các vấn đề chính sách”.


Hội nghị vinh dự có sự tham gia của: GS.TS. Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; TS. Nguyễn Linh Giang - Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; PGS.TS. Đỗ Thị Hảo - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội; GS.TS. Lê Ngọc Canh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa.


Về phía Viện Nghiên cứu Văn hóa, chủ tọa điều hành Hội nghị gồm: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng; PGS.TS. Phạm Văn Dương - Phó Viện trưởng; TS. Hoàng Cầm - Phó Viện trưởng. Thư ký Hội nghị là TS. Đinh Mỹ Linh.


Tác giả có tham luận trình bày tại Hội thảo gồm: TS. Nguyễn Công Thảo - Viện Dân tộc học; ThS. Trần Thị Khánh Hà - Viện Nghiên cứu Châu Âu; NCS. Trần Quốc Hùng - Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc; TS. Trần Hoài - Viện Nghiên cứu Văn hóa; NCS. Phạm Thị Hương - Khoa Quản lý xã hội, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.


Đến dự Hội nghị còn có đông đảo đại biểu, khách mời là các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan, bộ ngành hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, cùng toàn thể cán bộ nghiên cứu đang công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa.


Phát biểu khai mạc và đọc báo cáo đề dẫn, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm khẳng định: Đa dạng văn hóa (ĐDVH) đóng một vai trò quan trọng cho nhân loại nói chung và các cộng đồng tộc người, các quốc gia dân tộc nói riêng. Tuyên bố toàn cầu về ĐDVH của UNESCO năm 2001 đã khẳng định ĐDVH là nguồn trao đổi, cải tiến và sáng tạo, sự ĐDVH đối với nhân loại cũng cần thiết như sự đa dạng sinh học trong trật tự cơ thể sống. Với ý nghĩa đó, ĐDVH là di sản chung của nhân loại và cần được thừa nhận, khẳng định vì lợi ích của các thế hệ ngày nay và mai sau. ĐDVH mở rộng khả năng lựa chọn trong phát triển - được hiểu không chỉ là sự tăng trưởng kinh tế, mà còn là phương tiện đạt đến sự tồn tại mãn nguyện về trí tuệ, tình cảm, đạo đức và tinh thần.


Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với đa dạng các truyền thống, các sắc thái văn hóa khác nhau. Sự ĐDVH ở Việt Nam thể hiện ở sự đa dạng trong các hình thức biểu đạt văn hóa như là: nếp sống, phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng, âm nhạc, tri thức dân gian, phương thức thực hành sinh kế, vũ trụ quan... Sự đa dạng, phong phú của các thực hành, biểu đạt này là cơ sở quan trọng cho sự tồn tại bền vững, giàu tính bản sắc, nhân văn của các tộc người. Sự ĐDVH ở Việt Nam không chỉ là sự đa dạng trong thích ứng của các tộc người với điều kiện sống đặc trưng nhất định, mà còn là hệ các điều kiện mà họ phải thích ứng để tồn tại.


Do nhận thức còn hạn chế nên trong một khoảng thời gian khá dài, sự ĐDVH ở Việt Nam ở cả góc độ lý luận và thực tiễn đã bị nhìn nhận dưới lăng kính tiến hóa luận đơn tuyến (Unilineal evolution). Theo đó, sự khác biệt văn hóa giữa các tộc người được coi là sản phẩm của sự phát triển cao - thấp khác nhau. Việc sử dụng khung tiếp cận tiến hóa luận đơn tuyến trong lý giải ĐDVH đã đưa đến các kết quả nghiên cứu sai lệch mang tính định kiến, không nhìn nhận đúng giá trị và vai trò của các biểu đạt văn hóa của các tộc người. Cách nhìn này cũng bỏ qua sự tương tác, sự kết nối mang tính cộng sinh giữa tộc người thiểu số và đa số, giữa người miền núi và người miền xuôi trong suốt lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Trong khi sự tương tác, kết nối mang tính hữu cơ này, như nhiều nghiên cứu lịch sử, nhân học, văn hóa và tôn giáo đã chỉ ra, đã, đang và sẽ trở thành nền tảng quan trọng cho sự phát triển của các thực hành văn hóa, xã hội và kinh tế của tất cả các tộc người.


Thêm vào đó, việc lý giải ĐDVH theo chiều hướng cao - thấp của tiến hóa luận đơn tuyến cũng đã bỏ qua các sáng tạo văn hóa và hệ thống tri thức địa phương phong phú và giàu có của các tộc người thiểu số - thứ giúp họ thích ứng và tồn tại bền vững trong lịch sử phát triển tộc người với các tiểu môi trường khác nhau. Ví dụ như phương thức canh tác nương rẫy của các tộc người thiểu số thường hiện lên trong các diễn ngôn phát triển (Development discourse) như là mô hình nông nghiệp nguyên thủy với hàng loạt các thuộc tính tiêu cực, trong khi bỏ qua các khía cạnh mang tính bền vững về môi trường và hiệu quả sản xuất của mô hình này. Tương tự như vậy, hình thức sử hữu cộng đồng không phải là mô hình lạc hậu mà đó là cách thức đem lại tính công bằng, công lý cho tất cả các thành viên của cộng đồng trong tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mô hình tổ chức gia đình mẫu hệ gắn với những ngôi nhà dài của người Ê-đê, Cơ-ho… thay vì là hình thức hôn nhân gia đình lỗi thời được thực hành ở thời nguyên thủy như hình dung trong các diễn ngôn, đã từng đóng vai trò như một mạng lưới xã hội an toàn cho những người phụ nữ, là thiết chế duy trì và phát huy tính cố kết cộng đồng…


Rất nhiều ví dụ như vậy đã chỉ ra cái nhìn thiên kiến hiện nay về ĐDVH. Cách nhìn nhận không đúng về ĐDVH có thể tạo ra nhiều hệ quả không mong đợi nếu hệ thống tri thức dựa trên cách nhìn nhận, lý giải này được sử dụng như cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chính sách phát triển có quy mô và khả năng tác động lớn đến các tộc người.


Trong khoảng 20 năm trở lại đây, trên cơ sở tiếp thu các khuynh hướng tiếp cận mới, nghiên cứu ĐDVH ở Việt Nam đã và đang thực sự thay đổi. Trong bối cảnh này, Hội nghị Thông báo Văn hóa năm 2020 là diễn đàn để các nhà nghiên cứu trình bày, thảo luận những kết quả nghiên cứu mới về ĐDVH các tộc người, vùng miền cũng như các chính sách bảo tồn, phát huy ĐDVH ở Việt Nam những năm qua. Hội thảo đã nhận được 74 bài tham luận từ các nhà khoa học đang làm việc ở các viện nghiên cứu, các trường đại học cũng như các cơ quan, bộ ngành khác.


Nội dung các bài tham luận tập trung vào 4 chủ đề chính: Chủ đề thứ nhất là các vấn đề lý luận về ĐDVH, bao gồm các hướng tiếp cận và phương pháp luận nghiên cứu như là nhìn nhận ĐDVH từ quan điểm của người trong cuộc, sự ĐDVH của các tộc người, của các quốc gia; Chủ đề thứ hai là các chính sách của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới về ĐDVH, như quan điểm ĐDVH của Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc áp dụng quan điểm này trong xây dựng chính sách ở Việt Nam, hay là chính sách về đa dạng ngôn ngữ ở Nhật Bản, cơ sở pháp lý về ĐDVH ở Liên minh châu Âu (EU), hay là chính sách ứng xử với Tết cổ truyền của các tộc người ở Việt Nam hiện nay; Chủ đề thứ ba là các dạng thức biểu đạt văn hóa của các tộc người, các nhóm tộc người ở Việt Nam hiện nay; Chủ đề thứ tư là vấn đề bảo vệ và phát huy sự ĐDVH trong bối cảnh đương đại, đặc biệt là các giải pháp chính sách thực tiễn.


Dựa trên nguồn tài liệu thực tế phong phú, các tham luận đã đề cập đến nhiều hình thức biểu đạt văn hóa khác nhau ở các tộc người khác nhau, từ góc nhìn lịch sử cũng như từ lát cắt đương đại như là sinh kế, thực hành tín ngưỡng, âm nhạc, nghệ thuật. Một số bài tham luận đã đề cập đến các biểu đạt văn hóa mới như là không gian sáng tạo ở đô thị, văn hóa giới trẻ ở Việt Nam trong bối cảnh phát triển của truyền thông và chủ nghĩa tiêu dùng, hay là văn hóa của người đồng tính, văn hóa của những người làm nghề xe ôm công nghệ...


Trong thời gian một buổi sáng, các đại biểu, khách mời của Hội nghị đã tập trung lắng nghe 5 bài tham luận. Trong không khí học thuật sôi nổi, các đại biểu, khách mời cùng các tác giả bài viết đã thảo luận nhiều vấn đề lý luận về ĐDVH, chính sách của Việt Nam và các nước trên thế giới về ĐDVH, vấn đề bảo vệ và phát huy sự ĐDVH trong bối cảnh đương đại, đặc biệt là các giải pháp chính sách và hành động thực tiễn.


 


Toàn cảnh Hội nghị


 


PGS.TS. Phạm Văn Dương giới thiệu đại biểu và khách mời


 



PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm đọc báo cáo đề dẫn


 



TS. Nguyễn Công Thảo trình bày tham luận

"Bản sắc văn hóa tộc người ở Việt Nam: cách nhìn và thách thức"




ThS. Trần Thị Khánh Hà trình bày tham luận

"Đa dạng văn hóa: Từ cơ sở pháp lý tới hành động của Liên minh Châu Âu"




NCS. Trần Quốc Hùng trình bày tham luận 

"Đa dạng văn hóa dân tộc thiểu số tiếp cận từ quan điểm người trong cuộc (Emic view)"




TS. Trần Hoài trình bày tham luận

"Nhạc chiêng ở buôn làng: Sự sáng tạo, tính xã hội

và khía cạnh Công giáo của âm nhạc cồng chiêng trong đời sống thường ngày"




NCS. Phạm Thị Hương trình bày tham luận

"Không gian sáng tạo: nơi chốn cho các biểu đạt văn hóa"


 



Các đại biểu nghe tham luận


 


Các đại biểu nêu ý kiến (đang phát biểu là PGS.TS. Kiều Trung Sơn - Viện Nghiên cứu Văn hóa)




Các đại biểu nêu ý kiến (đang phát biểu là TS. Nguyễn Linh Giang)




Các đại biểu nêu ý kiến (đang phát biểu là PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam)




Các đại biểu nêu ý kiến (đang phát biểu là PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương - Viện Nghiên cứu Văn hóa)




Các đại biểu nêu ý kiến (đang phát biểu là GS.TS. Lê Hồng Lý)




Các đại biểu nêu ý kiến (đang phát biểu là Nguyễn Minh Tiến - Khoa Văn học,

Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh)


 


TS. Nguyễn Công Thảo trả lời câu hỏi


 


ThS. Trần Thị Khánh Hà trả lời câu hỏi




Ban chủ tọa nhận xét về các tham luận và thảo luận với các đại biểu (đang phát biểu là TS. Hoàng Cầm)




PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm phát biểu tổng kết và bế mạc Hội nghị


Phát biểu tổng kết Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm đánh giá cao nội dung của các tham luận và thảo luận có liên quan, đồng thời bày tỏ mong muốn rằng các vấn đề đặt ra đối với ĐDVH sẽ không chỉ giới hạn trong Hội nghị này mà sẽ tiếp tục xuất hiện, tiếp nối trong các diễn đàn, các không gian khoa học khác. Thông điệp của Hội nghị là cần phải hiểu về ĐDVH như hiểu về văn hóa: tức là văn hóa có mặt trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội thì ĐDVH cũng xuất hiện phổ quát như thế. Xét trên phương diện diễn ngôn, một dấu hiệu đáng mừng là hiện nay ĐDVH đang được các cơ quan ngôn luận và chính trị xác định như là nguồn lực của phát triển, với nhận thức rằng phải chấp nhận sự khác biệt, xem xét sự công bằng về văn hóa. Mặc dù vậy, việc thực hiện là không dễ dàng bởi các diễn ngôn truyền thông thật sự chưa nhiều và chưa sâu, và đôi khi mới tồn tại dưới dạng khẩu hiệu. Công việc của các nhà nghiên cứu là làm cho các diễn ngôn trở nên sâu sắc hơn, thực tế hơn và thể hiện ra kết quả nghiên cứu một cách thuyết phục. Hội nghị còn gợi mở rằng từ góc độ lý luận, nếu quán triệt ĐDVH là bao trùm như văn hóa thì mới có thể khiến cho các chính sách được hoạch định thực sự hiệu quả.



Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Văn Hóa
Giấy phép số 499/GP-BC ngày 15/11/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin lên mạng Internet
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm
Địa chỉ: 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Việt Nam. Email: vienvh@gmail.com
Điện thoại: 043.9784868. Fax: 043.9725903