Ngày 24/11/2020, tại Phòng họp số 1 - Trung Tâm Hội Nghị Tỉnh Sơn La - Thành phố Sơn La, Viện nghiên cứu Văn hóa (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với tên gọi “Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay”.
Hội thảo được đồng chủ trì bởi: PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa; Đ/c Đinh Thị Bích Thảo - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; GS. TS. Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa. Thư ký Hội thảo gồm: TS. Trần Hoài - Viện Nghiên cứu Văn hóa; Đ/c Lù Thị Phượng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Hội thảo có sự tham gia của: Đ/c Phạm Văn Thủy - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND dân tỉnh; các đ/c lãnh đạo đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng UBND dân tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh; các đ/c lãnh đạo đại diện trường Đại học Tây Bắc, trường Cao đẳng Sơn La, Bảo tàng tỉnh, một số nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa của Sơn La; các đ/c đại diện Thường trực Thành ủy, Huyện ủy, đại diện Thường trực UBND các huyện/thành phố trong tỉnh; cùng tập thể lãnh đạo và trưởng các phòng thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Đến dự Hội thảo còn có 36 nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, trong đó có: Đại đức, ThS. Thạch Dương Trung (pháp danh Thiên Giả) - chùa Moni Serey Sophol Cosdon, tỉnh Bạc Liêu; TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng phòng Di sản văn hóa phi vật thể, Cục Di sản Văn hóa; PGS. TS. Nguyễn Thị Hiền - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
Tác giả có tham luận trình bày tại Hội thảo gồm có: ThS. Trần Quốc Hùng - Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân tộc thuộc Học viện Dân tộc; TS. Nguyễn Thị Thanh Hoa - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; PGS. TS. Dương Văn Sáu - Trưởng khoa Du lịch, trường Đại học Văn hóa Hà Nội; TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Khoa Văn hóa học, trường Đại học Văn hóa Hà Nội; TS. Phạm Đặng Xuân Hương - Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội; TS. Tạ Quốc Khánh - Viện Bảo tồn di tích thuộc Bộ văn hóa, Thể thao và du lịch; TS. Lê Thị Ngọc Điệp - Trưởng khoa Văn hóa học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; PGS. TS. Kiều Trung Sơn - Viện Nghiên cứu Văn hóa; ThS. Trần Đức Tùng - Viện Nghiên cứu Văn hóa…
Hội thảo còn vinh dự có sự tham gia của các đại biểu đến từ trường Đại học Trà Vinh, trường Đại học Lao động - Xã hội, trường Đại học Tân Trào, trường Sĩ quan Lục quân 2, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Vụ Văn hoá dân tộc thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La, Đ/c Đinh Thị Bích Thảo chào mừng sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa từ Trung ương và các địa phương, nêu rõ mục đích của Hội thảo nhằm góp phần làm rõ, nêu cao nhận thức trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa, đồng thời giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa góp phần tích cực xây dựng văn hóa, con người Việt Nam nói chung và văn hóa, con người Sơn La nói riêng ngày càng phát triển bền vững. Đây là sự phù hợp, hưởng ứng với kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 4/6/2020 gần đây về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong đó cho thấy rõ vai trò, tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc hiện nay.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa; huy động các nguồn lực nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Hiện nay, toàn tỉnh có 113 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó có 63 di tích đã được xếp hạng; có 7 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 3 hồ sơ đang hoàn thiện để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục. Tỉnh đang phối hợp với các tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Lai Châu, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam xây dựng hồ sơ di sản “Nghệ thuật xòe Thái” để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, xin chủ trương phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình xây dựng hồ sơ di sản “Mo mường” để trình UNESCO công nhận…
Trong bối cảnh này, Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa trình bày, thảo luận về: 1) Vấn đề lý luận và bảo vệ, phát huy di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng; 2) Hệ thống chính sách và thực tiễn vấn đề bảo vệ, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay; 3) Thành tựu, thách thức, các vấn đề đặt ra trong bảo vệ, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay; 4) Các gợi ý chính sách có liên quan đến công tác bảo vệ, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay. Đ/c Đinh Thị Bích Thảo còn khẳng định, đối với tỉnh Sơn La nói riêng, đây là dịp để củng cố, giáo dục về truyền thống văn hóa dân tộc, về quê hương Sơn La giàu bản sắc, và từ đó, bồi dưỡng thêm về tình yêu, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm với quê hương đất nước, cội nguồn văn hóa dân tộc cho Đảng viên, cán bộ cùng toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm cho biết: Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 53 dân tộc thiểu số và mỗi dân tộc có truyền thống và sắc thái riêng, tạo nên bức tranh đa dạng văn hóa ở Việt Nam. Di sản văn hóa của các dân tộc (theo cách phân loại của UNESCO) bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Di sản văn hóa, như được đề ra trong Chương trình Nghị sự về phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp quốc, không chỉ đóng vai trò mang tính quyết định trong việc đem lại sự phát triển kinh tế bao gộp (inclusive) giúp xóa đói giảm nghèo, tạo ra sự thịnh vượng về mặt kinh tế, mà còn là nền tảng tạo ra sự gắn kết xã hội (social cohesion), đảm bảo sự phyát triển bình đẳng (equity), nhân văn (humanity) và có bản sắc (indentity) ở các dân tộc.
Nhờ những nỗ lực của các cơ quan hữu quan Trung ương và địa phương và sự tham gia chủ động của các chủ thể văn hóa, trong khoảng hai thập kỷ gần đây, công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ở Việt Nam nói chung và ở các dân tộc thiểu số nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu. Nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức và các cộng đồng đều đã ưu tiên đầu tư nguồn lực vật chất và con người vào công tác bảo vệ và phát huy di sản. Công tác truyền dạy, phục hồi, tư liệu hóa, vinh danh nghệ nhân cũng như hoạt động quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được đẩy mạnh nhằm bảo vệ di sản một cách bền vững. Việc xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng được đẩy mạnh và tạo hiệu quả tốt. Chính sách tôn vinh và đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công truyền dạy, phổ biến di sản văn hóa phi vật thể ngày càng được cải thiện.
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm cũng lưu ý rằng bên cạnh những thành tựu đạt được, vấn đề bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ở Việt Nam nói chung và ở vùng các dân tộc thiểu số nói riêng hiện nay cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bất cập, dẫn đến những nỗ lực của Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ và phát huy di sản chưa đạt được các kết quả như mong muốn. Đó là sự bất cập về quan điểm tiếp cận và nhìn nhận di sản văn hóa. Tuy đã có một số thay đổi, song về cơ bản, việc nhìn nhận giá trị của di sản cùng với đó là việc thiết kế các mô hình và hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay vẫn còn bị chi phối khá nặng bởi quan điểm tiến hóa luận (nhìn nhận văn hóa có sự cao - thấp, có giá trị và phản giá trị). Đó là sự tự định kiến của người dân đối với chính di sản văn hóa của họ. Trong một thời gian dài, những đánh giá, nhìn nhận chưa đúng về di sản văn hóa các dân tộc thiểu số đã làm nhiều cộng đồng, tộc người, đặc biệt là ở giới trẻ mặc cảm, xem thường, và ở một mức độ nào đó, chối bỏ nhiều thực hành văn hóa truyền thống đã từng và sẽ tiếp tục giúp họ thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội đặc thù. Đó còn là vấn đề ngoài lề hóa các cộng đồng chủ nhân ra khỏi di sản văn hóa của chính họ, đặc biệt là các di sản văn hóa được đưa vào các danh mục di sản văn hóa quốc gia và quốc tế. Với tâm lý coi các di sản văn hóa được ghi danh là “di sản của nhà nước, của quốc tế”, chủ nhân của các di sản văn hóa này thường không được tự đưa ra các quyết định về thân phận của di sản văn hóa mà họ nắm giữ, sở hữu; thay vào đó là sự can thiệp khá lớn của các cơ quan quản lý nhà nước…
Xuất phát từ thực tế này, Viện Nghiên cứu Văn hóa kết hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa trình bày, thảo luận những thành tựu và thách thức ở cả khía cạnh lý luận và thực tiễn triển khai của công tác bảo vệ, phát huy di sản ở vùng các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu được trình bày, Hội thảo hướng tới việc thảo luận và đưa ra các khuyến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững của việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số.
Hội thảo đã nhận được tổng cộng 84 báo cáo tham luận từ các nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa ở Trung ương và địa phương. Sau khi xem xét, cân nhắc, Ban tổ chức Hội thảo đã lựa chọn 60 bài tham luận đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu về nội dung, chủ đề để đưa vào tập tài liệu hội thảo. Bên cạnh thảo luận các vấn đề mang tính lý luận (quản điểm tiếp cận, cơ sở pháp lý quốc tế…), nhiều báo cáo tham luận, dựa trên nguồn tư liệu thực tế phong phú, đã làm rõ hiện trạng công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở các vùng miền, chỉ ra những thành tựu và thách thức, trên cơ sở đó đề xuất các khuyến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản ở Việt Nam nói chung và ở vùng các dân tộc thiểu số nói riêng.
Toàn cảnh Hội nghị phiên sáng (Phòng họp số 1 - Trung Tâm Hội Nghị Tỉnh Sơn La)
Ban chủ trì Hội thảo (từ trái qua phải: GS. TS. Lê Hồng Lý; Đ/c Đinh Thị Bích Thảo; PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm)
Đ/c Đinh Thị Bích Thảo phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm phát biểu đề dẫn Hội thảo
ThS. Trần Quốc Hùng trình bày tham luận
"Cơ sở pháp lý của UNESCO và Việt Nam về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay"
TS. Nguyễn Thị Thanh Hoa trình bày tham luận:
"Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số thông qua cách tiếp cận dựa trên quyền:
từ diễn ngôn quốc tế đến thực tiễn tại Việt Nam"
PGS. TS. Dương Văn Sáu trình bày tham luận
"Bảo tồn di sản văn hóa tộc người dưới góc nhìn của kinh tế du lịch ở Việt Nam hiện nay"
ThS. Trần Đức Tùng trình bày tham luận
"Ngôi nhà và vũ trụ luận trong việc bảo tồn di sản văn hóa ở một làng người Hmông vùng biên giới Việt - Trung"
PGS. TS. Kiều Trung Sơn trình bày tham luận
"Bảo tồn và phát huy âm nhạc các dân tộc Sơn La dưới góc nhìn di sản
(suy ngẫm từ Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia)"
Các đại biểu nghe trình bày tham luận
Các đại biểu nghe trình bày tham luận
Các đại biểu nghe trình bày tham luận
Các đại biểu nêu ý kiến (trong ảnh là PGS. TS. Nguyễn Thị Hiền)
Các đại biểu nêu ý kiến
Ban chủ trì Hội thảo nhận xét về các tham luận
Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh kỷ yếu
Toàn cảnh phiên chiều (Phòng họp tầng 3 - Thành ủy Thành phố Sơn La)
TS. Nguyễn Thị Thanh Mai trình bày tham luận
"Hội nhập kinh tế và vă nhóa của các tộc người ở Sơn La trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay (Qua nghiên cứu thực trạng văn hóa dân tộc Thái ở Sơn La)"
TS. Phạm Đặng Xuân Hương trình bày tham luận
"'Huyền thoại và tạo dựng huyền thoại trong du lịch':
quá trình tái cấu trúc biểu tượng nàng Han và thần linh bản địa ở Quỳnh Nhai, Sơn La"
TS. Tạ Quốc Khánh trình bày tham luận
"Nghiên cứu bảo tồn giá trị văn hóa kiến trúc ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên"
TS. Lê Thị Ngọc Điệp trình bày tham luận "Ấn tích ao thiêng - ao Bà Om của người Khmer ở Trà Vinh"
Các đại biểu nêu ý kiến
Các đại biểu nêu ý kiến
Các đại biểu nêu ý kiến (trong ảnh là TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Cục Di sản văn hóa)
Các đại biểu nêu ý kiến
Các đại biểu nêu ý kiến (trong ảnh là TS. Hoàng Cầm)
Ban chủ trì Hội thảo trao đổi về các tham luận
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm tổng kết Hội thảo
Đ/c Đinh Thị Bích Thảo phát biểu bế mạc Hội thảo
Sau một ngày làm việc khẩn trương, tích cực, với nhiều tham luận được chuẩn bị công phu và ý kiến thảo luận sôi nổi, Hội thảo đã thực sự trở thành một diễn đàn có ý nghĩa với chủ đề di sản là chủ đề xuyên suốt. Hội thảo đã đưa ra các kết luận quan trọng sau:
- Văn hóa các dân tộc thiểu số đã, đang và sẽ thay đổi như một xu hướng khách quan, nhưng sự thay đổi đó cuối cùng nằm ở sự lựa chọn của từng cá nhân, từng cộng đồng, của từng thể chế chính trị, tương ứng với bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Trong quá trình này thì quyền lựa chọn của từng cá nhân, cộng đồng, địa phương với tư cách là chủ thể văn hóa phải được tôn trọng.
- Định kiến tộc người (và định kiến giới) còn phổ biến và chi phối lớn đến nhận thức về văn hóa, là trở lực của việc bảo vệ, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số. Do vậy, việc từng bước gỡ bỏ các định kiến là điều kiện cần thiết để nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát huy di sản văn hóa hiện nay.
- Di sản văn hóa luôn luôn tồn tại trong một chỉnh thể nguyên hợp, bất cứ di sản nào cũng là tổng hòa nhiều yếu tố. Thực tế hiện nay là người ta nhiều khi chỉ chú ý bảo vệ, phát huy một yếu tố và điều đó ảnh hưởng không tốt đến sức sống bền vững của di sản. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là không được tách di sản ra khỏi môi trường quen thuộc của chúng.
- Xu hướng phục hồi, sáng tạo, tái cấu trúc văn hóa đôi khi chứng kiến hiện tượng gọi là “đồng bộ” văn hóa, cố gắng xây dựng khuôn mẫu thống nhất. Hiện tượng này cần bị phê phán ở chỗ sự sáng tạo văn hóa là do cộng đồng, cá nhân tự quyết định chứ không phải là lấy một nguyên mẫu mang tính đồng bộ hóa. Văn hóa chỉ có ý nghĩa đích thực nhất của nó khi nó giữ gìn được sự làm giàu, sự đa dạng, đã là văn hóa thì phải đa dạng. Văn hóa Việt Nam phải khác văn hóa các quốc gia khác, văn hóa Sơn La khác văn hóa các tỉnh khác, văn hóa người Thái khác văn hóa người Tày, không được đi theo hướng đồng bộ hóa. Để khắc phục hạn chế này cần sự lắng nghe, chung tay, vào cuộc, phối kết hợp hài hòa giữa các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, trí thức từ Trung ương, địa phương đến từng cộng đồng.