Sáng ngày 8/11/2018 tại Hội trường Viện Nghiên cứu văn hóa đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Giới và tiếp cận tài nguyên trong bối cảnh REDD+: Nghiên cứu trường hợp Tây Nguyên, Việt Nam” do TS. Phan Phương Hảo, Viện Nghiên cứu văn hóa trình bày. Đây là một phần trong luận án tiến sĩ được tài trợ bởi hai dự án nghiên cứu quốc tế là CoCooR (Đại học East Anglia) và REDD+
Nội dung của buổi tọa đàm xoay quanh câu hỏi nghiên cứu: Giới ảnh hưởng thế nào đối với việc tiếp cận tài nguyên và ý nghĩa của nó đối với những dự án môi trường toàn cầu như REDD+. Thông qua việc phân tích những tranh đấu thường ngày của một cộng đồng cư dân là đối tượng thí điểm của nhiều dự án môi trường quốc tế và quốc gia, tác giả đã phân tích những cách thức cá nhân và hộ gia đình tận dụng các chính sách mới để duy trì sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ nhà nước và nhà tài trợ đồng thời vẫn duy trì các phương thức tiếp cận/khai thác tài nguyên truyền thống. Ngoài ra, đặt những câu chuyện địa phương này trong bối cảnh của REDD+ ở Việt Nam, tác giả đã dựng lại quá trình những khuôn mẫu môi trường toàn cầu (chính sách, quy định liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng) được chuyển thể vào thực tế bởi các bên liên quan ở địa phương, và định hình vấn đề giới và tiếp cận tài nguyên từ địa phương đến toàn cầu. Kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Giới đóng vai trò then chốt trong tiếp cận tài nguyên => giới hoá các nguồn tài nguyên và việc can thiệp của Nhà nước cũng làm thay đổi mối liên hệ giữa nam giới và nữ giới với rừng.
Thu Hằng
Một số hình ảnh: