Ngày 22-25/3/2018, Hội Nghiên cứu châu Á của Mĩ đã tổ chức hội thảo thường niên năm 2018 (AAS) tại khách sạn Marriott Wardman Park, Washington, D.C. Đây là một trong những hội thảo thường niên lớn nhất về nghiên cứu châu Á được tổ chức tại Bắc Mĩ nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học trình bày các kết quả nghiên cứu mới, tạo ra diễn đàn kết nối giữa các nhà khoa học ở các quốc gia cũng như vinh danh các công trình nghiên cứu và các học giả xuất sắc về nghiên cứu châu Á trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Các hội, nhóm nghiên cứu về châu Á, ví dụ như Nhóm nghiên cứu về Việt Nam (VSG) cũng thường chọn dịp này để tổ chức gặp mặt và trao giải thưởng cho các nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu xuất sắc. AAS năm 2018 có 443 tiểu ban, thu hút sự tham gia của hơn 3000 nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu và các trường đại học trên thế giới. Nội dung các tiểu ban đa dạng, tìm hiểu và phân tích các khía cạnh khác nhau về về xã hội châu Á, như văn học, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị, luật pháp, kinh tế, lịch sử, chuyển đổi xã hội, di sản văn hoá, vv... AAS năm 2018 có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học ở Việt Nam cũng như các học giả nước ngoài có mối quan tâm nghiên cứu về Việt Nam. GS.TS. Lê Hồng Lý, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm và TS. Hoàng Cầm của Viện Nghiên cứu văn hóa tham gia và trình bày các bài tham luận trong tiểu ban "Politics of intangible cultural heritage in contemporary Vietnam [Tính chính trị của di sản văn hoá phi vật thể ở Việt Nam đương đại]. Tiểu ban này được Hội Nghiên cứu Việt Nam (VSG) bảo trợ về mặt nội dung và thu hút sự tham gia, thảo luận của nhiều nhà khoa học.
P.V.