Sáng ngày 9/5/2018, tại hội trường tầng một số 27 Trần Xuân Soạn, Viện Nghiên cứu Văn hóa (ICS) đã phối hợp với Diễn đàn Hiểu về Việt Nam (UVF) đồng tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Làm mẹ trong âu lo: Facebook, thực phẩm bẩn và nền kinh tế của sự bấp bênh”, do TS. Nguyễn Thu Giang - giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, ĐHKHXH&NV, ĐHQG, Hà Nội trình bày. Đây là Tọa đàm thứ 2 trong seri tọa đàm phối hợp giữa UVF và ICS.
Buổi tọa đàm đã tập trung thảo luận những vấn đề về khung lý thuyết, về phương pháp luận nghiên cứu khoa học từ góc độ liên ngành nhân học văn hóa, nghiên cứu văn hóa đối với các vấn đề xã hội Việt Nam đương đại. Dựa trên 3 khung lý thuyết: Chủ nghĩa tân tự do, Khung lý thuyết quản trị của Foucault, và Lý thuyết tính chính trị của sự bấp bênh… tác giả đã xem xét về cách thực hành làm mẹ của phụ nữ trẻ Việt Nam trong bối cảnh số hóa, toàn cầu hóa. Tác giả đã đặt ra vấn đề là trong một thế giới số liên tục xáo trộn và quá tải thông tin, người mẹ liên tục phải chịu sự quản trị trong lo âu như thế nào? Và để đối phó với sự lo âu đó, người mẹ đã tổ chức cuộc sống trên cơ sở của sự bấp bênh ra sao? Lấy một ví dụ là “thực phẩm bẩn” và không gian số là mạng xã hội facebook, tác giả đã phân tích quá trình làm mẹ trong lo âu của các bà mẹ trẻ Việt Nam. Trước nguy cơ tấn công của “thực phẩm bẩn”, để bảo vệ gia đình, để thể hiện tình mẫu tử, để trở thành những bà mẹ “thông thái”, những bà mẹ “tốt”… những bà mẹ trẻ đã không ngừng sử dụng những chiến lược để tổ chức lại cuộc sống của gia đình mình. Facebook là một không gian then chốt nơi những người mẹ chia sẻ các mối lo lắng, cũng như tìm cách duy trì một cuộc sống bớt bấp bênh hơn. Nhiều người tận dụng mạng xã hội để bán hàng online, tạo ra một thị trường sống động và không chính thống dành cho các sản phẩm “sạch”. Mô hình kinh doanh nơi quá trình “làm mẹ” không tách rời với quá trình “làm việc” là một mô hình kinh doanh mang màu sắc giới rất rõ rệt. Mô hình này giúp cho nhiều phụ nữ vừa chăm con vừa kiếm tiền, vừa xây dung và mở rộng những mối quan hệ, giúp đem lại cảm giác tự chủ về cả cảm xúc và tài chính. Tuy nhiên tác giả cũng chỉ ra rất rõ, chiến lược quản trị sự lo âu, bảo vệ gia đình trước sự bấp bênh của điều kiện hiện đại là một chiến lược mang màu sắc cá nhân và nó thể hiện rõ sự không tin tưởng vào tính tập thể của các bà mẹ trẻ hiện đại. Các bà mẹ trẻ trong quá trình thực hành làm mẹ, họ đã trở thành mắt xích quan trọng trong một nền kinh tế tân tự do, nơi việc chăm nom cho thế hệ tương lai bị cá nhân hóa hơn bao giờ hết.
Thanh Vân
Một số hình ảnh: