Sáng ngày 17/11/2023, tại hội trường phòng họp Viện Nghiên cứu Văn hóa đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề: “Tính cá nhân, giá trị gia đình và bản sắc văn hóa (Nghiên cứu trường hợp Tây Nam Bộ)” do PGS.TS. Trần Thị Minh Thi (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) trình bày.
Trên phạm vi thế giới, nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng sự phát triển kinh tế, xã hội, cùng với hiện đại hóa và đo thị hóa có thể trong giai đoạn đầu làm giảm tỷ lệ ly hôn; tuy nhiên, ở giai đoạn sau của hiện đại hóa, lại khiến tỷ lệ ly hôn tăng lên. Ở Việt Nam, mặc dù ly hôn có xu hướng giảm nhẹ trong một vài thập niên gần đây ở phương Tây, ly hôn ở Việt Nam vẫn tăng lên như xu hướng tương tự ở các quốc gia châu Á. Hiện đại hóa, đi cùng với sự phát triển của công bằng xã hội, bình đẳng giới, nâng cao vị thế kinh tế, xã hội của phụ nữ và mở rộng chủ nghĩa cá nhân, là những chiều cạnh giải thích cho việc ly hôn đang ngày càng tăng ở Việt Nam. Tính cá nhân từ chỗ rất bị hạn chế trong xã hội cũ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc sống hiện đại và trở thành một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến ly hôn ngày nay. Chính sách và chiến lược của Nhà nước về hôn nhân, gia đình, dân số và bình đẳng giới; phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế về văn hóa xã hội; và truyền thông đại chúng cũng ảnh hưởng quan trọng đến xu hướng ly hôn này.
Tại Tây Nam Bộ, tỷ lệ ly hôn có xu hướng tăng đều qua các năm và đang cao hơn so với trung bình cả nước. Ly hôn ở khu vực này đang phản ánh những thay đổi khá phức tạp về cấu trúc và tư tưởng liên quan đến quá trình phát triển kinh tế, hiện đại hóa, những đặc điểm văn hóa của khuôn mẫu hôn nhân, gia đình khu vực Đông Nam Á, cũng như các đặc trưng văn hóa vùng miền của khu vực đa tộc người, đa văn hóa, đa tôn giáo. Ly hôn ở Tây Nam Bộ mang đặc điểm phức hợp và giằng co của quá trình hiện đại hóa, tiếp biến văn hóa trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội của khu vực còn thấp.
Một số hình ảnh