Sáng ngày 29/11/2024, tại hội trường phòng họp Viện Nghiên cứu Văn hóa đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề: “Người Minh Hương ở Việt Nam” do GS. Tưởng Vi Văn - Trường Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan (Trung Quốc) - trình bày.
Sau khi nhà Minh sụp đổ vào thế kỷ XVII, một làn sóng di cư lớn đã diễn ra trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Những thần dân trung thành với triều Minh, bao gồm quân dân và giới quý tộc, đã phải rời bỏ quê hương để tránh sự thống trị của nhà Thanh. Những người di cư này đã tìm đến các quốc gia lân cận như Việt Nam, Hàn Quốc (Triều Tiên) và Đài Loan, nơi họ đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử và văn hóa bản địa. Tại Việt Nam, một trong những câu chuyện đáng chú ý là hành trình của Trần Thượng Xuyên, một thuộc hạ cũ của Trịnh Thành Công. Ông đã dẫn theo 3.000 quân sĩ đến quy thuận triều đình nhà Nguyễn. Những người lính này, không muốn chịu cảnh cai trị của nhà Thanh, đã quyết định ở lại Việt Nam. Họ dần hòa nhập vào xã hội Việt Nam, kết hôn với phụ nữ địa phương và trở thành cộng đồng người Minh Hương - một nhóm người Hán di cư mang đậm bản sắc văn hóa kết hợp giữa truyền thống Trung Hoa và đặc trưng Việt Nam. Tương tự như người Hán lưu vong đến Đài Loan trong thời kỳ Minh - Trịnh, người Minh Hương ở Việt Nam cũng trải qua quá trình hòa nhập thông qua hôn nhân và giao lưu văn hóa. Họ đã thích nghi với lối sống địa phương, từ đó dần "bám rễ" và trở thành một phần không thể tách rời của xã hội Việt Nam.
Một số hình ảnh




