Tọa đàm khoa học: Lý do tồn tại của hát ru Bắc Bộ

31/10/2023

Sáng ngày 30/10/2023, tại hội trường phòng họp Viện Nghiên cứu Văn hóa đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề: “ Lý do tồn tại của hát ru Bắc Bộ” do PGS.TS Kiều Trung Sơn (Viện Nghiên cứu Văn hóa) trình bày.

Hát ru, một dạng thực thể nghệ thuật dân gian độc đáo, đã và đang tồn tại trong nhiều nền văn hóa, trong đó có văn hóa Việt Nam. Hát ru không chỉ tồn tại như một thể loại dân ca, mà còn hiện hữu trong đời sống. Các diễn ngôn ca ngợi hát ru rất đa dạng và phong phú, chẳng hạn như: “Hát ru là tiếng hát tâm tình của người mẹ”; “Hát ru giáo dục đạo đức thẩm mỹ”; “Hát ru giúp phát triển ngôn ngữ”; “Hát ru hình thành nhân cách của trẻ”; “Hát ru, qua khúc thức, lời, giai điệu, tiết tấu, thể hiện ngôn ngữ riêng biệt, toát lên tâm hồn Việt không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào khác”… Những diễn ngôn này phần nào có thể coi là lý do tồn tại của hát ru; nhưng đó là những lý do nhằm giải thích theo hướng đề cao giá trị, xuất phát từ quan điểm của xã hội nói chung.

Việc tìm hiểu vai trò của hát ru từ góc độ người mẹ và trẻ em sẽ giúp chúng ta nhận diện giá trị đầy đủ và chính xác của nó. Cụ thể, từ góc độ người mẹ, hát ru được xem là một phản ứng bản năng trong quá trình làm mẹ. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh là hát ru không chỉ đơn thuần xuất phát từ bản năng mà còn là sản phẩm của quá trình sáng tạo. Trên thực tế, từ cơ sở phân tâm học, người mẹ hầu như không thể nhớ mình đã được trao truyền hát ru như thế nào và cũng khó lý giải được tại sao mình có thể hát ru. Điều đó cho thấy hát ru là thứ đọng trong tiềm thức người mẹ, gặp bối cảnh nuôi con nhỏ thì nó mới tự nhiên bật ra. Từ phía em bé, hát ru không chỉ có chức năng ru ngủ mà còn giúp em bé kết nối với môi trường sống xung quanh trong giai đoạn đầu đời. Hát ru giúp trẻ phát triển cả về mặt tri giác và thể chất, tạo điều kiện cho sự hài hòa và thích nghi với đời sống xã hội…

Xác định được lý do cơ bản của sự tồn tại và giá trị của hát ru sẽ giúp dự báo và đề xuất các giải pháp để bảo tồn và bảo vệ hát ru trong bối cảnh biến đổi và phát triển nhanh chóng của đời sống hiện đại. Việc này không chỉ quan trọng trong việc giữ gìn di sản văn hóa mà còn góp phần vào việc nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn, cũng như nhận thức văn hóa của các thế hệ tương lai.

Một số hình ảnh



Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Văn Hóa
Giấy phép số 499/GP-BC ngày 15/11/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin lên mạng Internet
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm
Địa chỉ: 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Việt Nam. Email: vienvh@gmail.com
Điện thoại: 043.9784868. Fax: 043.9725903