Sáng ngày 8/12/2022, tại hội trường phòng họp Viện Nghiên cứu Văn hóa đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề: “Khái niệm và cách tiếp cận mới trong nghiên cứu tôn giáo ở Đông Nam Á hiện nay” do GS. Kirsten Endres, Viện Max Planck (CHLB Đức) - trình bày.
Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thuyết vật linh hay vật linh giáo (animism) của Edward Burnett Taylor đã giúp hình dung về một trong số những giai đoạn quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của tôn giáo tại các khu vực, các nền văn hóa trên thế giới. Vật linh giáo cho rằng cái gọi là linh hồn có tồn tại và nằm trong nhiều sự vật, hiện tượng hay các thực thể khác nhau trong môi trường tự nhiên. Do chịu ảnh hưởng của tiến hóa luận, vật linh giáo đã ít được thảo luận bởi các nhà nhân học vào giai đoạn sau của thế kỷ XX. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, khái niệm này đã trở lại với nội hàm mở rộng hơn: không còn đơn thuần chỉ một giai đoạn phát triển của tôn giáo, mà giống như một tư tưởng, một cách nhận thức của con người về mối quan hệ giữa các đối tượng trong một thế giới đa giống loài.
Tại Đông Nam Á, sự thể hiện hay “trở lại” của tư tưởng vật linh giáo có thể liên hệ với nhiều hiện tượng tôn giáo tín ngưỡng tại các quốc gia, tộc người. Riêng tại Việt Nam, nó có thể là một cách tiếp cận về mặt lý thuyết cho sự phục hưng của tín ngưỡng “Lên đồng”. Từ chỗ từng bị Nhà nước dán nhãn là “mê tín dị đoan” và cần phải bị loại bỏ trong đời sống văn hóa xã hội, các nghi lễ lên đồng đã trở lại từ những năm 1990, trong bối cảnh không gian cho sự đổi mới nghi lễ được mở rộng; sự chuyên nghiệp hóa các hoạt động liên quan đến văn hóa tinh thần; sự kết hợp với các hàng hóa tiêu dùng mới và vấn đề hiệu quả kinh doanh; công nghệ sản xuất hình ảnh mới và phân phối thông qua phương tiện truyền thông xã hội/ kỹ thuật số. Lên đồng thậm chí còn được trở nên ngoạn mục hóa và di sản hóa, trở thành di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và được UNESCO ghi danh.
Một số hình ảnh