Sáng ngày 13/03/2025, tại hội trường phòng họp Viện Nghiên cứu Văn hóa đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề: “Điện khí hoá và cảm thức gắn kết” do TS. Vũ Thị Phương Thảo - TS ngành Nhân học Xã hội, Viện Max Planck, CHLB Đức - trình bày.
Khái niệm cảm thức được định nghĩa bằng nhiều cách khác nhau trong khoảng hai thập kỷ qua. Cảm thức được hiểu là một “cường độ cảm giác” (intensity of feeling) của con người. Cảm thức tồn tại trong một trạng thái động trước khi bị/được nắm bắt về ngữ nghĩa và ngữ âm, trước khi bị cố định hóa bởi ngôn ngữ và văn hóa. Ngay khi được nhận biết bằng ý thức và được gọi tên thì một “cường độ cảm giác” đã không còn là cảm thức mà bị cố định hóa thành cảm xúc. Cảm thức được các nhà nghiên cứu nhân học và xã hội học thừa nhận là có vai trò trung tâm trong việc chia sẻ cảm xúc và vì vậy tạo ra sự đồng thuận cần thiết để duy trì trật tự xã hội. Theo Stoler (2007: 9), sự đồng thuận xã hội là kết quả của việc “tạo ra cảm thức phù hợp và có lý, điều hướng các nhận định cảm tính, nhấn mạnh một số gắn kết cảm tính và tạo lập các gắn kết khác”. Thậm chí đối với một số nhà nghiên cứu, cốt lõi của đời sống chính trị xã hội hiện đại là việc quản lý và sử dụng cảm thức.
Sau khoảng hai mươi năm từ khi chương trình điện khí hóa nông thôn của Việt Nam chính thức bắt đầu, tại nông thôn Việt Nam nói chung, điện một mặt đã trở thành một phần bình thường của cuộc sống, mặt khác đã tác động mạnh mẽ đến nhiều khía cạnh của cuộc sống đó. Một số nghiên cứu ban đầu đã chỉ ra sự thay đổi trong những vấn đề cụ thể như tăng thu nhập hộ gia đình, nâng cao giáo dục, giảm gánh nặng cho phụ nữ. Dòng điện cũng cho phép người dân chia sẻ cảm thức liên cá nhân, có khi là về cùng một nhân vật lịch sử, có khi là về không gian, thời gian và qua đó có được cảm giác thuộc về cùng một nơi chốn, một cộng đồng. Những cảm thức này ít được nhận biết bằng lời, nhưng cảm thức gắn với dòng điện đã thúc sự gắn kết với cộng đồng dân cư tại vùng đất mà họ đã cùng nhau tạo dựng.
Cơ sở hạ tầng điện góp phần tích cực vào mối quan hệ Nhà nước - nhân dân. Nhà nước đã sử dụng quyền lực cơ sở hạ tầng để tăng cường tính chính danh của mình nhưng phải đối mặt với những căng thẳng và mâu thuẫn ngày càng tăng trong việc cung cấp điện (hàng hóa/hàng hóa công cộng) và trong việc xây dựng mối quan hệ với người dân (khách hàng/công dân). Các bên nhân sự (người sử dụng điện, công nhân điện…) tương tác với điện và nhà nước theo những cách thức có tác động sâu sắc ở cả hai chiều.
Một số hình ảnh



