Tọa đàm khoa học: Bản sắc Thăng Long Hà Nội: Từ quy chất luận đến kiến tạo luận

18/09/2024

Sáng ngày 16/09/2024, tại hội trường phòng họp Viện Nghiên cứu Văn hóa đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề: “Bản sắc Thăng Long Hà Nội: Từ quy chất luận đến kiến tạo luận” do PGS.TS. Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) trình bày.

Trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, quy chất luận là một hệ thống tư duy cho rằng các hiện tượng văn hóa đều có bản chất xác định, không thay đổi theo thời gian hay không gian. Theo cách tiếp cận này, mọi yếu tố văn hóa đều được gán cho một giá trị hay bản chất cố định, và sự biến đổi của chúng chỉ được coi là hiện tượng bề mặt, không ảnh hưởng đến cốt lõi. Kiến tạp luận, mặt khác, gắn với quan điểm cho rằng các hiện tượng văn hóa không có bản chất cố định mà được hình thành và thay đổi liên tục thông qua các tương tác xã hội, lịch sử, và bối cảnh. Những yếu tố văn hóa được coi là sản phẩm của quá trình đàm phán, tái cấu trúc, và xây dựng lại theo thời gian, phản ánh sự đa dạng và linh hoạt của các mối quan hệ quyền lực, ý thức hệ, và trải nghiệm cá nhân.

Liệu thực sự có cái gọi là bản sắc Thăng Long - Hà Nội không từ quan điểm quy chất luận? Có thể là có, ở từng thời điểm, với những bối cảnh và những phông nền văn hóa khác nhau. Bản sắc Thăng Long - Hà Nội thời trung đại (Lý, Trần, Lê sơ..) có thể là bản sắc do những nhà Nho kiến tạo nên. Khi đó, Hoàng thành Thăng Long giống như là biểu tượng của sự linh thiêng về mặt chính trị, từ cả quan điểm Nho giáo lẫn Đạo giáo. Nhưng sang đến thế kỷ XX, bản sắc Hà Nội có thể được kiến tạo từ nền văn hóa của Pháp. Sang đến giai đoạn Cách mạng, nó được “đỏ” hóa, được thi vị hóa, luôn luôn biến động theo những dòng người di cư đến và đi, đôi khi biến mất hoàn toàn. Từ đây, có thể nghĩ về hai giả thiết: hoặc là Hà Nội vốn không có bản sắc “lõi”, tức là không phải là cái gì đó xuất hiện ngay từ đầu, cố định, bất biến; hoặc nó đa “lõi”, luôn luôn biến đổi tùy theo quan điểm, hệ tư tưởng của từng thời kỳ. Nghiên cứu sâu hơn về bản sắc Hà Nội phải gắn với những câu hỏi: nó được tạo ra như thế nào, với những động lực gì, những quan hệ gì, những chính sách gì, được cộng đồng tri nhận và thực hành ra sao?

Một số hình ảnh



Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Văn Hóa
Giấy phép số 499/GP-BC ngày 15/11/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin lên mạng Internet
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm
Địa chỉ: 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Việt Nam. Email: vienvh@gmail.com
Điện thoại: 043.9784868. Fax: 043.9725903