Sáng ngày 22/12/2024, tại hội trường tầng 3 - nhà B, số 1 Liễu Giai (Ba Đình) đã diễn ra buổi nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ "Xây dựng hệ giá trị văn hoá gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình việt nam trong thời kỳ mới: lý luận và thực tiễn” (thuộc khuôn khổ Chương trình “Xây dựng Hệ giá trị Quốc gia, Hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”) do PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện 11/2022 - 12/2024.
Giá trị văn hoá, theo cách hiểu phổ biến hiện nay trong các ngành khoa học xã hội, đặc biệt là ngành nhân học và nghiên cứu văn hoá (Julian Sommerschuh 2016, Joel Robbins 2012), là các quan niệm mang tính văn hoá về sự tốt đẹp (good), sự quan trọng (impotance) hay ước muốn (desire) mà các thành viên của một truyền thống văn hoá, một tộc người hay một nhóm xã hội hướng tới. Giá trị văn hoá là cơ sở, đồng thời nó cấp nghĩa cho hành động/hành vi/lựa chọn của các cá nhân trong tương tác với xã hội và với tự nhiên. Giá trị văn hoá tạo ra phương châm, triết lý sống và phương châm, triết lý sống là sự thể hiện của giá trị văn hoá của cá nhân, cộng đồng tộc người.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, do sự đổi mới, cập nhật trong cách tiếp cận về đa dạng văn hoá trong cả lĩnh vực nghiên cứu lẫn xây dựng chính sách, sự đa dạng của các thực hành và biểu đạt văn hoá truyền thống của các tộc người đã được nhìn nhận, đánh giá phù hợp hơn. Chính vì sự thay đổi này mà hiện nay, trong nghiên cứu và xây dựng chính sách, không chỉ tiếng nói và quan điểm của chủ thể văn hoá được quan tâm và đưa vào trong các nghị sự của sự phát triển, mà bản thân các chủ thể văn hoá cũng được tạo cơ hội (ở cả khía cạnh cơ sở pháp lý và không gian tham gia) vào việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá độc đáo, đặc sắc của họ. Từ nhận thức và bài học thực tiễn này, việc xây dựng được một hệ giá trị văn hoá quốc gia chung, được mọi người dân ở mọi truyền thống văn hoá chia sẻ, đồng thuận chấp nhận và đưa vào thực cuộc sống một cách tự nguyện và có ý nghĩa, là hết sức cần thiết. Một hệ giá trị văn hoá quốc gia có tính bao chứa và dung hợp không chỉ góp phần bảo vệ được sự đa dạng truyền thống văn hoá đặc sắc, độc đáo của các vùng miền, tộc người như Đảng và Nhà nước lâu nay chủ trương, mà còn tạo ra cơ sở để phát huy một cách hiệu quả nội lực, tri thức và sự sáng tạo của mọi người dân trong xã hội.
Sau một buổi chiều làm việc nghiêm túc và hiệu quả, Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá đề tài đã thực hiện được các mục tiêu và yêu cầu đã đề ra trong thuyết minh và hợp đồng đã đăng ký. Nội dung nghiên cứu bao hàm đầy đủ các yêu cầu của đề tài khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Các sản phẩm nghiên cứu được cung cấp đầy đủ theo yêu cầu của hợp đồng đã ký kết. Phương pháp nghiên cứu có tính khoa học, phù hợp với định hướng mà các đề tài đã xác định. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa trong thực tiễn xã hội hiện nay. Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đã quyết định thông qua đề tài ở mức Xuất sắc.
Một số hình ảnh