Nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Bộ "Văn hóa của các cộng đồng cư dân biển đảo ở Việt Nam hiện nay"

17/05/2024

Trong tháng 5 năm 2023, Viện Nghiên cứu Văn hóa đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: "Văn hóa của các cộng đồng cư dân biển đảo ở Việt Nam hiện nay" do TS. Hoàng Cầm làm chủ nhiệm.

Là quốc gia có đường bờ biển dài với nhiều đảo và quần đảo lớn nhỏ, Việt Nam có một truyền thống văn hoá biển  đảo đậm đặc và rõ nét. Trong tiến trình lịch sử sinh sống và phát triển hàng trăm năm ở các khu vực biển đảo, các cộng đồng cư dân sinh sống tại các khu vực này đã tiếp biến, sáng tạo, sở hữu và trao truyền một hệ thống các thực hành văn hoá, giúp họ thích ứng với tiểu sinh thái này. Những thực hành văn hoá của các cộng đồng cư dân biển đảo được thể hiện trong mọi mặt đời sống của các cộng đồng, như các thực hành văn hoá hàng ngày, hệ tri thức bản địa, khuân mẫu ứng xử, phong tục, vũ trụ quan, văn hoá mưu sinh, tín ngưỡng, lễ hội, phong tục,….

Sử dụng góc nhìn mới với hệ quy chiếu biển đảo là trung tâm (Wheeler, 2006; Withmore, 2006; Nhung Tuyet Tran và Reid, 2006; Li Tana, 2023) và đặt các cộng đồng cư dân biển - đảo ở Lý Sơn và Trà Cổ vào trong “các mạng lưới của các kết nối có tính liên vùng và các dòng chảy” (Roszako, 2020), đề tài chỉ ra rằng văn hoá của hai cộng đồng cư dân này không tồn tại một cách “biệt lập”, “ngoài rìa” như một số nghiên cứu lấy “điểm nhìn từ đất liền” giả định, mà luôn ở trong đa chiều của các kết nối và trong mạng lưới mạng lưới kết. hững kết nối, vì vậy,  làm cho văn hoá của các cộng đồng luôn đậm tính linh hoạt, uyển chuyển và “dễ thẩm thấu”, thay vì tĩnh tại hay bất biến. Trong bối cảnh đương đại nơi nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển mạnh mẽ và sự hội nhập ngày càng lớn của Lý Sơn và Trà Cổ vào văn hoá quốc gia và quốc tế ngày càng gia tăng, các mạng lưới và các chiều kích kết nối giữa văn hoá Lý Sơn và Trà Cổ  với thế giới bên ngoài sẽ ngày một gia tăng. Các thực hành văn hoá ở Lý Sơn và Trà Cổ, cho dù đó là văn hoá mưu sinh, thực hành tôn giáo tín ngưỡng và phong tục hay hệ thống tri thức bản địa - ba khía cạnh mà đề tài chọn mô tả và phân tích - không hề mất đi tính đa dạng vốn có của chúng. Thay vì bị đồng nhất hoá, chính sự gia tăng của các chiều kích và mạng lưới kết nối thông qua các dòng chảy liên tục và mạnh mẽ theo dạng hai chiếu của thông tin (bao gồm cả tri thức mới), con người (di cư và khách du lịch), và hàng hoá (các loại nông sản, hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm) đã làm cho các thực hành văn hoá của cư dân tại hai địa bàn ngày càng đa dạng và phong phú hơn.



Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Văn Hóa
Giấy phép số 499/GP-BC ngày 15/11/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin lên mạng Internet
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm
Địa chỉ: 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Việt Nam. Email: vienvh@gmail.com
Điện thoại: 043.9784868. Fax: 043.9725903