Chiều ngày 12/11/2024, tại hội trường phòng họp Viện Nghiên cứu Văn hóa đã diễn ra buổi nghiệm thu cấp cơ sở đề tài khoa học cấp Bộ "Biếm hoạ và đời sống văn hóa xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XXI” do TS. Vũ Tú Quỳnh làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện 1/2023 - 12/2024.
Là một hình thức nghệ thuật đặc biệt, sử dụng sự cường điệu và hài hước để phê phán các vấn đề xã hội bằng các hình vẽ trực quan, đôi khi kết hợp với chữ viết, biếm hoạ trở thành phương tiện truyền thông thị giác, truyền dẫn các thông điệp phê phán thông qua các biểu tượng tạo hình. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, các biểu tượng tạo hình có mối liên quan với đời sống thực tiễn làm cho biếm hoạ có tính ngữ cảnh cao, trong đó, hoạ sĩ là người trực quan hoá các biểu tượng đó. Như đã chỉ ra trong nghiên cứu, các biểu tượng như phong bì, đường lưỡi bò, chổi đót, quan tham, tiến sĩ… là ảnh xạ của các hiện tượng văn hoá xã hội Việt Nam những thập nhiên đầu thế kỷ XXI, được các hoạ sĩ chắt lọc, cô đọng qua bộ óc siêu tưởng, thành các biểu tượng trực quan, giúp khán giả tiếp cận và đọc hiểu các vấn đề xã hội phức tạp một cách đơn giản và hài hước. Bằng việc sử dụng các biểu tượng tạo hình trong các ý tưởng sáng tạo khác nhau, biếm họa phản ánh các sự kiện đương thời một cách phong phú, đa chiều từ nhiều điểm nhìn của hoạ sĩ. Sự xuất hiện của một biểu tượng với tần suất lớn, trong các bức vẽ có ngữ cảnh khác nhau, của các tác giả khác nhau, nhưng cùng mang hàm nghĩa phê phán đã củng cố ý nghĩa của biểu tượng trong nhận thức của khán giả, đặc biệt có những biểu tượng được cấp nghĩa mới trái ngược với ngữ nghĩa khởi thuỷ của nó (trường hợp biểu tượng phong bì, quan), làm thay đổi quan điểm/nhận thức của khán giả về biểu tượng. Biếm hoạ trở thành phương tiện cấp nghĩa hoặc tái định nghĩa cho biểu tượng dưới nhãn quan phê phán, đồng thời định hình khuôn mẫu của những hành vi xã hội.
Sau một buổi chiều làm việc nghiêm túc và hiệu quả, Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá đề tài đã thực hiện được các mục tiêu và yêu cầu đã đề ra trong thuyết minh và hợp đồng đã đăng ký. Nội dung nghiên cứu bao hàm đầy đủ các yêu cầu của đề tài khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Các sản phẩm nghiên cứu được cung cấp đầy đủ theo yêu cầu của hợp đồng đã ký kết. Phương pháp nghiên cứu có tính khoa học, phù hợp với định hướng mà các đề tài đã xác định. Nội dung nghiên cứu là chủ đề mới, không trùng lặp với các nghiên cứu đã có từ trước. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa trong thực tiễn xã hội hiện nay. Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đã quyết định thông qua đề tài và đưa ra các yêu cầu chỉnh sửa, hoàn thiện cho đề tài trước khi đưa đến hội đồng nghiệm thu chính thức.
Một số hình ảnh


