Hội thảo quốc gia: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới

30/11/2022

Ngày 29/11/2022, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội) và hai điểm cầu Thừa Thiên - Huế, Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.

Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội có sự tham gia của: đ/c Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; đ/c Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; đ/c Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; GS. TS. Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước. Điểm cầu Hà Nội có sự tham dự của hơn 250 đại biểu bao gồm các đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương; đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật Trung ương; các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa; Thường trực một số tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương, các văn nghệ sĩ cùng phóng viên các cơ quan báo chí.

Hội thảo được tổ chức để hiện thực hóa chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; thực hiện Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan đặt ra về văn hóa, văn học, nghệ thuật. Hội thảo được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận để có thể đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực tiễn giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam.

Hội thảo được chia làm hai phiên: Phiên buổi sáng với chủ đề "Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới"; phiên buổi chiều với chủ đề "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới". Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung phân tích, làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ giữa các hệ giá trị đó. Trong phiên thứ hai, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) - đã trình bày tham luận "Một số nhận thức về hệ giá trị văn hóa".

PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm trình bày tham luận tại Hội thảo

Tham luận của PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm đã đi từ khái niệm chung về hệ giá trị và phân tích những đặc tính cơ bản của giá trị, như tính hệ thống, tính đa dạng, tính tương đối và sự biến đổi. Tham luận khẳng định rằng hệ giá trị văn hóa là vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ, mà luôn được đề cập tới trong các văn bản, nghị quyết, diễn đàn thảo luận về vấn đề văn hóa, xã hội, trong các công trình nghiên cứu văn hóa và trên truyền thông. Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang đổi mới theo hướng hiện đại và hội nhập sâu rộng, khi con đường phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao đã được xác định rõ, các vấn đề về giá trị, hệ giá trị văn hóa được đặt ra và nói tới hàng ngày trong các diễn ngôn chính trị, văn hóa, xã hội, đặc biệt là xuất hiện thường xuyên, liên tục trong các văn kiện, nghị quyết quan trọng của Đảng. Theo đó, hệ giá trị văn hóa được xác định là có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, hệ giá trị văn hóa qua từng  chặng đường lịch sử, ở từng vùng miền, từng tộc người cũng có thể khác nhau, được định hình ở những khuôn mẫu, chuẩn mực khác nhau.

Với tính đa dạng của nền văn hóa, cùng bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, hệ giá trị văn hóa ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp với sự cùng tồn tại của hệ giá trị truyền thống, hệ giá trị mới, hệ giá trị phổ quát, hệ giá trị đặc thù, hệ giá trị cốt lõi, hệ giá trị phái sinh... Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay khi diễn ra sự xung đột giá trị, thậm chí khủng hoảng giá trị, càng làm gia tăng thêm tính phức tạp, nhưng cũng làm lộ rõ sự cần thiết nhìn nhận lại việc xây dựng hệ giá trị văn hóa hiện nay. Từ cơ sở trên, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm đã nhấn mạnh "Tên gọi các hệ giá trị văn hóa được xem là đã có sẵn và các hệ giá trị được xác định cần xây dựng đều là các mỹ từ, rất quen thuộc, tạo cảm giác đã có hết rồi song thực tế lại không hẳn như vậy. Dường như những khái quát này chưa ghi nhận hết được hệ giá trị văn hóa đa dạng mà các nhóm địa phương, các tộc người trên cả nước đang thực hành trong thực tế cuộc sống thường ngày của họ. Điều này khiến các hệ giá trị văn hóa được xác định vẫn chưa thực sự gắn với thực tiễn, chưa đi vào cuộc sống mà chủ yếu tồn tại trên sách vở, trong các văn bản chính sách, trên các diễn đàn và các diễn ngôn truyền thông, tuyên truyền".

Về cách thức xây dựng hệ giá trị văn hóa, theo PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm, cần phải đảm bảo tính thực tiễn, tôn trọng thực tiễn. “Nếu quan tâm đúng mức hơn đến tính thực tiễn của hệ giá trị văn hóa thì chúng ta sẽ khắc phục được sự chung chung, hô hào, hình thức trong xây dựng hệ giá trị văn hóa. Tính thực tiễn ở đây là hệ giá trị văn hóa phải được xây dựng từ thực tiễn và phải được thực hành sâu rộng trong thực tiễn, trở thành lối sống, thói quen, tập tính hàng ngày của con người. Chỉ như vậy, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa mới được xem là đạt hiệu quả”.

Các đại biểu của Viện Nghiên cứu Văn hóa tham dự Hội thảo



Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Văn Hóa
Giấy phép số 499/GP-BC ngày 15/11/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin lên mạng Internet
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm
Địa chỉ: 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Việt Nam. Email: vienvh@gmail.com
Điện thoại: 043.9784868. Fax: 043.9725903