Sáng ngày 03/12/2024, tại Hội trường tầng 1 - Số 27, Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Viện nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo Thông báo văn hóa năm 2024 với chủ đề “Văn hóa Việt Nam trong các chiều kích biến đổi”.
Hội thảo Thông báo Văn hóa là hoạt động khoa học thường niên quan trọng của Viện Nghiên cứu Văn hóa. Đây là diễn đàn của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa trong nước và quốc tế, để chia sẻ, thảo luận những thành tựu nghiên cứu, những dự định nghiên cứu trong tương lai.
Hội thảo Thông báo Văn hóa năm 2024 vinh dự có sự đóng góp, tham gia của đông đảo các đại biểu là nhà khoa học, chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu, trường Đại học như Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn…
Về phía Viện Nghiên cứu Văn hóa, Chủ trì hội thảo là: PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng; PGS. TS. Hoàng Cầm - Phó Viện trưởng; PGS. TS. Phạm Văn Dương - Phó Viện trưởng. Hội thảo có sự tham gia của toàn thể cán bộ nghiên cứu là viên chức của Viện Nghiên cứu Văn hóa, các nhà khoa học là cựu viên chức của Viện Nghiên cứu Văn hóa.
PGS.TS. Phạm Văn Dương giới thiệu khách mời và chương trình Hội thảo
Phát biểu khai mạc và đọc báo cáo đề dẫn, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm cho biết: Văn hóa các cộng đồng tộc người ở Việt Nam, cho dù là các cộng đồng đô thị hay là nông thôn, đồng bằng hay là miền núi thì đều đã và đang trải qua quá trình biến đổi lớn. Từ Đổi mới (1986) đến nay, quá trình đổi mới về kinh tế, chính sách, cũng như sự hội nhập của Việt Nam vào dòng chảy kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của khu vực và toàn cầu đã làm thay đổi lớn diện mạo của văn hóa Việt Nam, làm gia tăng mức độ, dạng thức, chiều kích biến đổi của văn hóa Việt Nam.
Ở cấp độ cộng đồng, sự kết nối thông qua các dòng chảy qua lại của thông tin, hệ giá trị, của các nguồn lực kinh tế cũng như sự dịch chuyển qua lại của con người giữa các khu vực miền núi - đồng bằng, nông thôn - đô thị, Việt Nam - quốc tế đã dẫn đến sự thay đổi của nhiều thực hành văn hóa, nhiều hệ giá trị và thay đổi cả căn tính văn hóa, hệ thống nghĩa cũng như khát vọng của cuộc sống văn hóa mới của các tộc người. Ở cấp độ quốc gia, sự tham gia ngày càng toàn diện và đẩy đủ của Việt Nam vào các Công ước, Chương trình nghị sự quốc tế, như Công ước của UNESCO về đa dạng văn hóa hay Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp Quốc về phát triển bền vững… đã tạo tiền đề cho sự thay đổi của các chính sách vĩ mô về lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và từ đó tạo ra các thay đổi trong thực hành văn hóa ở khắp các tộc người, các vùng miền trên đất nước ta.
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm đọc báo cáo đề dẫn Hội thảo
Sự biến đổi của văn hóa trong bối cảnh như vậy không đơn giản đi theo một chiều hay một khuôn mẫu nhất định. Các chiều tương tác của con người, của hàng hóa, của thực hành văn hóa hay các giá trị văn hóa cũng đều ẩn chứa sự đan cài, và ở một mức độ nào đó, còn có sự mâu thuẫn, va chạm giữa truyền thống và hiện đại, giữa địa phương và khu vực, giữa tộc người và quốc gia. “Trong bối cảnh và điều kiện sống mới, các thực hành và hệ giá trị văn hóa có sự khác biệt về chiều kích và mức độ biến đổi so với truyền thống. Điều này giúp cho các cá nhân, các cộng đồng, các tộc người tái định hình và thích ứng với các nghịch lý và sự khác biệt do các tác nhân như trên tạo ra. Chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy rằng trong khi các cộng đồng dành nhiều nỗ lực để bảo tồn và phát huy nhiều phong tục, tập quán, nếp sống cổ truyền có ý nghĩa từ góc nhìn của chủ thể văn hóa, họ cũng cùng lúc lựa chọn nhiều thành tố văn hóa mới, nhiều giá trị văn hóa mới từ bên ngoài để tạo dựng ra một cuộc sống mà với họ là “hiện đại” - PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm nhấn mạnh.
Hội thảo Thông báo Văn hóa năm 2024 của Viện Nghiên cứu Văn hóa với chủ đề “Văn hóa Việt Nam trong các chiều kích biến đổi” là diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu trình bày, trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu nhằm nhận diện và làm rõ hơn các chiều kích biến đổi của văn hóa trong xã hội Việt Nam đương đại. Hội thảo đã nhận được 82 bài viết của các nhà nghiên cứu đến từ các trường Đại học, các Viện nghiên cứu và một số cơ quan quản lý từ nhiều nơi trên cả nước. Ban Tổ chức Hội thảo đã chọn ra 68 bài phù hợp với chủ đề hội thảo. Nội dung các bài viết tập trung vào 03 nhóm vấn đề lớn sau:
- Nhóm vấn đề tập trung vào lý luận, khuynh hướng lý thuyết và phương pháp luận về biến đổi văn hóa. Các bài viết đã đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng như giao lưu tiếp biến văn hóa, sự va chạm giữa các nền văn hóa, sự va chạm giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát triển, trong đó nổi lên vấn đề bản sắc văn hóa của các cộng đồng, các tộc người trong các bối cảnh của sự tiếp xúc, va chạm và mâu thuẫn.
- Nhóm vấn đề tập trung vào các biểu hiện đa dạng, đa chiều, đa sắc thái của văn hóa. Các bài viết đã chỉ ra sự đa dạng văn hóa trong các lĩnh vực, chủ đề như văn học nghệ thuật, di sản, sinh kế, giáo dục, hôn nhân gia đình, tri thức bản địa, sinh thái, du lịch, tín ngưỡng, lễ hội… Biến đổi văn hóa cũng được tìm hiểu ở sự đa dạng không gian, như là không gian gia đình, cộng đồng, tộc người, và một số không gian đặc biệt như chợ, vỉa hè…
- Nhóm vấn đề tập trung vào các xu hướng biến đổi và vấn đề đặt ra từ sự biến đổi văn hóa. Các bài viết đã chỉ ra một số xu hướng như xu hướng hỗn dung văn hóa, tái cấu trúc văn hóa, sáng tạo văn hóa…, và các nhân tố tác động đến sự biến đổi như là toàn cầu hóa, hiện đại hóa, công nghệ số, di cư, sự chuyển đổi về tôn giáo, tín ngưỡng…
TS. Vũ Tú Quỳnh trình bày tham luận “Một số vấn đề về biến đổi văn hóa từ góc nhìn biếm họa”
TS. Ngô Thị Hồng Giang trình bày tham luận “Kể chuyện văn hóa qua trò chơi điện tử - một hướng tiếp cận văn hóa truyền thống của giới trẻ đương đại”
TS. Bùi Minh Hào (đồng tác giả với TS. Lê Thị Hiếu) trình bày tham luận “Bảo tồn văn hóa phi vật thể trong sự biến đổi cấu trúc xã hội (Trường hợp quan hệ hôn nhân đa tộc người ở miền Tây Nghệ An”
TS. Hồ Thị Thanh Nga trình bày tham luận “Làm “phụ nữ” từ xa: Thực hành văn hóa giới truyền thống của nữ lao động giúp việc gia đình trong bối cảnh đương đại”
Các đại biểu nêu ý kiến thảo luận và đặt câu hỏi cho tác giả tham luận
Sau một buổi sáng làm việc nghiêm túc, Hội thảo đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Các trình bày, trao đổi, thảo luận tại Hội thảo góp phần khẳng định rằng trong bối cảnh đương đại, sự giao thoa và học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn hóa đã tạo nên một bức tranh đa dạng đầy màu sắc. Văn hóa, vốn dĩ là một thực thể sống động, luôn trong trạng thái biến đổi không ngừng. Mỗi cá nhân, với tư cách là chủ thể tự quyết, đều biết cách lựa chọn những yếu tố văn hóa phù hợp với bối cảnh chính sách, đời sống và vị thế của mình.
Một trong những đặc điểm nổi bật của sự biến đổi này chính là tính đa giọng nói - nơi nhiều quan điểm, góc nhìn cùng tồn tại và bổ trợ lẫn nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam ký kết Công ước về Đa dạng Văn hóa, khái niệm đa dạng văn hóa không chỉ được nhìn nhận như một giá trị, mà còn được khẳng định là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển. Những nghiên cứu và chương trình nghị sự lớn đã nhấn mạnh vai trò cốt lõi của sự đa dạng này đối với việc xây dựng và phát triển xã hội.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu và đánh giá các chiều kích biến đổi của văn hóa ngày càng trở nên cấp thiết, không chỉ để khẳng định sự phong phú của văn hóa mà còn để đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của xã hội. Không có một công thức hay khuôn mẫu cố định nào để hiểu hay đánh giá văn hóa, bởi bản thân văn hóa đã là một hiện tượng đa chiều và luôn vận động.
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo
Để kết thúc Hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao kết quả nghiên cứu của các tham thuận gửi tới Hội thảo nói chung và các tham luận được trình bày trong Hội thảo nói riêng. Từ Hội thảo này, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm bày tỏ sự tin tưởng rằng chủ đề về sự đa dạng và biến đổi của văn hóa trong thời gian tới vẫn là một lĩnh vực phong phú và đầy tiềm năng trong nghiên cứu. Đặc biệt, xu hướng nghiên cứu liên ngành, đa ngành và xuyên ngành đang ngày càng được quan tâm, mở ra những cách tiếp cận mới và sáng tạo, thường xuyên xuất hiện trong các diễn đàn nghiên cứu văn hóa hiện đại.