Hội nghị Thông báo Văn hóa năm 2023: "Di sản văn hóa trong xã hội Việt Nam đương đại"

23/11/2023

Sáng ngày 22/11/2022, tại Hội trường tầng 1 - Số 27, Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Viện nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị Thông báo văn hóa năm 2023 với chủ đề “Di sản văn hóa trong xã hội Việt Nam đương đại”.

Hội nghị Thông báo Văn hóa là hoạt động khoa học thường niên quan trọng của Viện Nghiên cứu Văn hóa. Đây là diễn đàn của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa trong nước và quốc tế, để chia sẻ, thảo luận những thành tựu nghiên cứu, những dự định nghiên cứu trong tương lai.

Hội nghị Thông báo Văn hóa năm 2023 vinh dự có sự tham gia của các khách mời: GS. TS. Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa; PGS. TS. Trần Thị An - Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Trưởng ban quản lý khoa học Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Xã hội học; TS. Lê Minh Anh - Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam; PGS. TS. Vũ Ngọc Hà - Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; PGS. TS. Nguyễn Thanh Bình - Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc học; TS. Đặng Thị Phượng - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Ngôn ngữ học; TS. Phạm Cao Quý - Cục Di sản văn hóa. Hội nghị còn có sự góp mặt của đông đảo những chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các Viện Nghiên cứu, các Trường Đại học trong nước.

Về phía học giả quốc tế, Hội nghị vinh dự có sự tham gia của: TS. Peter Larsen - Đại học Zurich (Thụy Sĩ) và GS. Christina Schwenkel - Đại học California (Hoa Kỳ), cũng đồng thời là diễn giả trình bày tại Hội nghị.

Về phía Viện Nghiên cứu Văn hóa, Chủ tọa hội nghị là: PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng; TS. Hoàng Cầm - Phó Viện trưởng; PGS. TS. Phạm Văn Dương - Phó Viện trưởng. Hội nghị có sự tham gia của toàn thể cán bộ nghiên cứu là viên chức của Viện Nghiên cứu Văn hóa, các nhà khoa học là cựu viên chức của Viện Nghiên cứu Văn hóa.

PGS.TS. Phạm Văn Dương giới thiệu khách mời và chương trình Hội nghị

Phát biểu khai mạc và đọc báo cáo đề dẫn, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm cho biết: Di sản văn hóa ở Việt Nam bao gồm các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, không chỉ bao gồm các di sản đã được công nhận, ghi danh, mà còn bao gồm các thực hành văn hóa chưa được ghi danh nhưng đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống các cộng đồng tộc người ở Việt Nam. Từ Đổi mới năm 1986 đến nay, sự gắn kết văn hóa, di sản văn hóa vào quá trình phát triển được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng, trong các chương trình hành động của Nhà nước hoặc của ngành Văn hóa, và cũng trở thành quan điểm chung của các tầng lớp nhân dân. Sự thay đổi trong nhận thức ở cả chính sách và hành động đã giúp Việt Nam đạt được một số thành công nhất định trong bảo vệ di sản văn hóa cũng như kết hợp một cách hài hòa, cân bằng giữa di sản văn hóa và phát triển.

Vấn đề di sản văn hóa và phát triển ngày càng trở nên quen thuộc với xã hội, trở thành môn học, ngành học, trở thành chủ đề nghiên cứu trong các diễn đàn khoa học, trong các hội thảo, tọa đàm và trên cả các diễn ngôn truyền thông. Từ phía cộng đồng, người dân ngày càng tham gia một cách chủ động và tự nguyện vào quá trình bảo vệ di sản văn hóa. Sự tích cực có ý nghĩa của họ không chỉ thể hiện ở sự đầu tư công sức, tiền của cho việc trùng tu, tôn tạo và bảo vệ các di sản văn hóa, mà còn ở chính sự tâm huyết của họ với di sản, sự khao khát truyền dạy các di sản văn hóa cho các thế hệ sau. Với sự tích cực đó, từ phía Nhà nước và phía cộng đồng, cho đến nay, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam đã có 31 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 9 Di sản thiên nhiên và văn hóa vật thể, 15 Di sản văn hóa phi vật thể và 7 Di sản tư liệu. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có 41.000 di tích đã được thống kê, trong đó có 130 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 3.602 di tích cấp quốc gia, và 10.109 di tích cấp tỉnh, cùng khoảng 127 di tích lịch sử và bảo vật quốc gia. Ngoài ra còn có khoảng 4 triệu hiện vật của 179 bảo tàng cũng được xem là một phần của kho tàng di sản văn hóa đang được trưng bày và lưu trữ.

Bên cạnh đóng góp vào sự phát triển, định hình bản sắc, hệ thống di sản văn hóa này đã và đang đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương có di sản. Đó là một tín hiệu đáng mừng và là cơ sở quan trọng cho sự phục hồi và tồn tại bền vững của các di sản văn hóa trong xã hội hiện nay. Có thể nói di sản nói chung và di sản văn hóa nói riêng đang ngày càng được nhìn nhận đúng về vai trò của chúng trong xã hội, được xem là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, phát triển du lịch và tạo dựng bản sắc địa phương, bản sắc tộc người.

PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm đọc báo cáo đề dẫn Hội nghị

Tuy vậy, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm lưu ý rằng mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu ở cả khía cạnh nhận thức và thực hành bảo vệ, phát huy di sản, song quá trình triển khai các chính sách bảo tồn, phát huy ở cấp độ địa phương cũng như cách tiếp cận mang tính lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu di sản cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập nhất định như: khái niệm di sản văn hóa và khái niệm phát triển còn đang được hiểu theo một cách khá phiến diện và hạn hẹp; hay vẫn còn những sự ngoài lề hóa các chủ nhân di sản và ngoài lề hóa các chủ nhân của di sản chưa được ghi danh, chưa được xếp hạng, khiến cho một số di sản bị lãng quên, bị loại trừ ra khỏi quá trình phát triển; hay vẫn còn một số vấn đề như sân khấu hóa, làm mới di sản vì mục đích thương mại; hay một số cách thức quản lý, bảo vệ di sản theo cách can thiệp quá mức vào các thực hành di sản của người dân… đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững, chất lượng của công tác bảo vệ di sản.

Hội nghị Thông báo Văn hóa năm 2023 là diễn đàn khoa học để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về chính sách và thực hành chính sách trình bày, thảo luận các kết quả nghiên cứu mới, bao gồm: (i) Các khuynh hướng tiếp cận, lý thuyết mới về di sản văn hoá trên thế giới và ở Việt Nam; (ii) Các dạng thức biểu hiện và thực hành di sản văn hoá trong đời sống các cộng đồng, tộc người; (iii) Vai trò, vị trí của di sản văn hóa đối với phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Hội nghị rất vui mừng vì đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa, với 83 bài tham luận đã được gửi tới. Dựa trên sự phù hợp với chủ đề của Hội nghị, Ban tổ chức đã lựa chọn 72 tham luận với nhiều nội dung phong phú như: mối quan hệ giữa di sản văn hóa và phát triển; di sản văn hóa và đô thị; di sản và sự kiến tạo bản sắc địa phương, tộc người; tính chính trị của di sản; bảo tồn và phát huy di sản; di sản hóa; giáo dục về di sản; truyền thông về di sản; tư liệu hóa di sản; nguồn lực di sản; sự đa dạng các thực hành di sản văn hóa ở các vùng miền, tộc người… Trong khuôn khổ thời gian của Hội nghị, Ban tổ chức đã chọn ra 5 tham luận để các tác giả trình bày, với mục tiêu thu hút các ý kiến thảo luận về những vấn đề liên quan đến các chủ đề này.

TS. Peter Larsen và TS. Hoàng Cầm trình bày tham luận ““Hiện đại hóa lạc hậu”: Bàn luận thêm về văn hóa - di sản và phát triển từ góc nhìn người dân

GS. Christina Schwenkel trình bày tham luận “Khu tập thể như là không gian sáng tạo? Tranh luận về di sản kiến trúc ở Việt Nam

PGS. TS. Trần Thị An trình bày tham luận “Từ văn hóa dân gian đến di sản văn hóa phi vật thể: Nghiên cứu phong tục bánh chưng, bánh giày ở Vĩnh Phúc

NCS. Hà Yến Chi trình bày tham luận “Kiến tạo và thương thỏa về bản sắc dân tộc: Một số quan sát về thực hành trang phục của dân tộc H’mông ở Việt Nam

TS. Ngô Thị Hồng Giang trình bày tham luận “Mỹ thuật ứng dụng và xu hướng phát huy di sản trong xã hội đương đại

 

Các đại biểu nêu ý kiến thảo luận và đặt câu hỏi cho tác giả tham luận

Sau một buổi sáng làm việc nghiêm túc, Hội nghị đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Phát biểu tổng kết Hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm khẳng định rằng vấn đề di sản văn hóa trong xã hội Việt Nam đương đại là một chủ đề lớn, được thể hiện ở nhiều chiều kích: văn hóa, xã hội, chính trị. Cái gọi là “đương đại” không hề độc lập hay đứt đoạn với cái “truyền thống”, mà thực sự đã phát triển trên nền tảng của truyền thống với vô số sự kết nối với truyền thống. Điều này có thể được nhận diện qua sự phong phú, đa dạng của các thực hành di sản từ khái quát đến cụ thể. Về mối quan hệ giữa di sản văn hóa và phát triển, trước đây có một chủ thuyết cho rằng đã là phát triển thì phải “phá hủy” những cái cũ để phát triển, do vậy rất khó để lồng ghép việc bảo vệ, phát huy di sản trong phát triển. Nói cách khác, hai khía cạnh này dường như được hiểu đã mặc định là mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, một chủ thuyết khác được phổ biến hiện nay, đó là di sản văn hóa hoàn toàn có thể đồng hành với phát triển. Theo đó, chúng ta có thể tiến hành phát triển từ chính các di sản văn hóa, hay nói cách khác, bản thân các di sản văn hóa đã tạo ra sự phát triển. Điều mà chúng ta đang tìm kiếm giữa hai chiều cạnh này, đó là sự phát triển hài hòa, cân bằng, nhân văn và có bản sắc, dựa trên tôn trọng sự lựa chọn của các cộng đồng di sản.

“Trước đây, chúng ta hay nghĩ rằng công tác bảo vệ di sản chỉ là việc của mỗi ngành Văn hóa, nhưng thực ra mỗi người dân ai cũng có cách bảo vệ và phát huy di sản theo cách của họ. Ở đây, cần lưu ý rằng thực hành di sản của cá nhân thường phụ thuộc vào những bối cảnh văn hóa nhất định - thứ chi phối cách hiểu, cách nghĩa của họ về di sản và cuối cùng là cách họ bảo vệ di sản” - PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm cũng nhấn mạnh thêm.

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm tổng kết và bế mạc Hội nghị

Để kết thúc Hội nghị, thay mặt Ban Tổ chức, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao kết quả nghiên cứu của các tham thuận gửi tới Hội nghị nói chung và các tham luận được trình bày trong Hội nghị nói riêng. Từ Hội nghị này, hy vọng rằng trong thời gian tới, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục truyền tải các thông điệp cho xã hội như: thế nào là di sản, thế nào là di sản văn hóa, thế nào là phát triển, phát triển cho ai, phát triển theo cách nào thì bền vững, mô hình nào mới là thực sự hiệu quả cho phát triển... Đó cũng là các câu hỏi sẽ tiếp tục được làm rõ trong những diễn đàn trong tương lai của Viện Nghiên cứu Văn hóa.

 



Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Văn Hóa
Giấy phép số 499/GP-BC ngày 15/11/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin lên mạng Internet
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm
Địa chỉ: 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Việt Nam. Email: vienvh@gmail.com
Điện thoại: 043.9784868. Fax: 043.9725903