Sáng ngày 1/12/2022, tại Hội trường tầng 1 - Số 27, Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Viện nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị Thông báo văn hóa năm 2022 với chủ đề “Văn hóa và phát triển: Các vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Hội nghị Thông báo văn hóa thường niên là hoạt động khoa học quan trọng của Viện Nghiên cứu Văn hóa, từ trước đến nay đã được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, nhà sưu tầm văn hóa. Đến dự Hội nghị năm nay có các khách mời: GS. TS. Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; PGS. TS. Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; cùng sự góp mặt của các nhà nghiên cứu đến từ Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, các nghiên cứu sinh của khoa Văn hóa - Ngôn ngữ học thuộc Học viện Khoa học xã hội...
Về phía Viện Nghiên cứu Văn hóa, Chủ tọa hội nghị là: PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng; TS. Hoàng Cầm - Phó Viện trưởng; PGS. TS. Phạm Văn Dương - Phó Viện trưởng. Hội nghị có sự tham gia của toàn thể cán bộ nghiên cứu là viên chức của Viện Nghiên cứu Văn hóa, các nhà khoa học là cựu viên chức của Viện Nghiên cứu Văn hóa.
PGS.TS. Phạm Văn Dương giới thiệu chương trình Hội nghị
Phát biểu khai mạc và đọc báo cáo đề dẫn, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm khẳng định văn hóa và phát triển đang là vấn đề được quan tâm của xã hội và của nhiều ngành nghiên cứu, trong đó có ngành Văn hóa học, Nhân học. Lý luận và thực tiễn ở nhiều nơi trên thế giới đã khẳng định văn hóa đóng vai trò là động lực và mục tiêu của phát triển, là nhân tố có ảnh hưởng mấu chốt đến tất cả các bước trong quá trình phát triển bền vững của một quốc gia, dân tộc. Vì vậy, để một quốc gia có sự phát triển bền vững, bình đẳng, đoàn kết và giàu tính bản sắc, cần phải quan tâm đúng mức đến các khía cạnh khác nhau của văn hóa trong chiến lược, chính sách, chương trình phát triển ở cả cấp vĩ mô và vi mô.
Ở Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa, sau năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có sự đổi mới trong tư duy về vai trò của văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này được thể hiện và khẳng định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII gần đây nhấn mạnh sự gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội, phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của phát triển; văn hóa là sức mạnh nội sinh phát triển bền vững đất nước, đóng vai trò là hệ điều tiết trong mọi mặt hoạt động của đời sống…
Để đưa tinh thần của Nghị quyết về vai trò của văn hóa vào trong thực tế phát triển của đất nước, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã có nhiều chính sách, chương trình, dự án thiết thực, đã quan tâm hơn đến vai trò, giá trị của các thực hành văn hóa, thực hành sinh kế cũng như hệ tri tri thức bản địa phong phú, đa dạng của các tộc người trong thiết kế, triển khai các chính sách phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, nhiều nghiên cứu đánh giá trong những năm gần đây cũng chỉ ra rằng trên thực tế việc thực hiện tinh thần của các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về văn hóa vào thực tiễn triển khai các chương trình bảo tồn và các dự án phát triển chưa thực sự có được những hiệu quả như mong muốn, chưa tạo được sự bứt phá trong phát triển bền vững cho quốc gia. Ở một mức độ nhất định, sự khẳng định tầm quan trọng của văn hóa trong các nghị quyết mới chỉ là khát vọng, khẩu hiệu hơn là được thực hiện, triển khai đầy đủ, hiệu quả trong thực tế chính sách cũng như trong cuộc sống xã hội. Sự bất cập này không chỉ làm giảm vai trò của văn hóa trong phát triển, mà còn tạo ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của Việt Nam hiện nay.
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm đọc báo cáo đề dẫn Hội nghị
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm nhấn mạnh, để phát triển một cách hiệu quả theo tinh thần và định hướng về tầm quan trọng của văn hóa theo các nghị quyết vào các chính sách, thực hành phát triển, từ đó phát huy hiệu quả, vai trò của văn hóa nhằm tạo ra bước đột phá mới cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam, chúng ta cần phải cập nhật, đổi mới nhận thức cũng như hệ thống lý luận về vai trò, giá trị của văn hóa nói chung, đa dạng văn hóa nói riêng, cũng như đặt ra khuôn khổ hành lang pháp lý để tích hợp một cách phù hợp văn hóa vào trong các chương trình, chính sách phát triển. Trong bối cảnh như vậy, Viện Nghiên cứu Văn hóa tổ chức Hội nghị Thông báo văn hóa năm 2022 với chủ đề “Văn hóa và phát triển: Các vấn đề lý luận và thực tiễn” nhằm hướng đến mục tiêu tạo diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu trình bày, thảo luận về các vấn đề lý luận và các kết quả nghiên cứu mới về chủ đề này.
Hội nghị đã nhận được sự nhiệt tình hợp tác của các nhà khoa học trên mọi miền đất nước, thể hiện qua hệ thống các tham luận được gửi tới Hội nghị. 60 bài viết tập trung vào 3 nội dung chính: (i) Các vấn đề lý luận chung về văn hóa và phát triển; (ii) Thực tiễn văn hoá trong phát triển bền vững các tộc người và quốc gia; (iii) Văn hoá và phát triển - thách thức và những vấn đề đặt ra. Trong khuôn khổ thời gian của Hội thảo, Ban tổ chức đã chọn ra 5 tham luận để các tác giả trình bày, với mục tiêu thu hút các ý kiến thảo luận về những vấn đề liên quan đến tất cả các chủ đề này.
TS. Hoàng Cầm trình bày tham luận "'Chúng tôi chỉ biết Po Then Luang': Di sản hóa, hội nhập tôn giáo và sự kháng cự ở một cộng đồng người Thái Việt Nam"
ThS. Trần Đức Tùng trình bày tham luận "Vốn văn hóa trong phát triển bền vững các di sản đô thị (trường hợp khu tập thể cũ tại Hà Nội"
NCS. Cao Thảo Hương trình bày tham luận "Một số quan điểm về 'Văn hóa và phát triển' trên thế giới"
NCS. Lý Viết Trường trình bày tham luận "'Giữ lại' hay 'phá bỏ' nhà 'truyền thống': Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển ở một huyện vùng cao biên giới hiện nay"
TS. Vũ Tú Quỳnh trình bày tham luận "Những chuyển đổi trong thực hành nghệ thuật công cộng Hà Nội"
Các đại biểu nêu ý kiến thảo luận và đặt câu hỏi cho tác giả tham luận
Phát biểu tổng kết Hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm khẳng định rằng tiềm năng của nghiên cứu văn hóa là không có biên giới, tức là có thể nghiên cứu về bất kỳ hiện tượng, bất kỳ vấn đề nào. Khi thừa nhận văn hóa là đa dạng, văn hóa là tương đối, nhà nghiên cứu có thể nhìn thấy các chủ đề nghiên cứu văn hóa có thể bao quát được toàn bộ mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay. Vấn đề là nhà nghiên cứu nhìn nhận các hiện tượng văn hóa như thế nào. Có rất nhiều góc nhìn khác nhau trong nghiên cứu về văn hóa, dẫn đến các kết quả nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, chúng đều có điểm chung đó là luôn luôn cần góc nhìn từ dưới lên, tức là từ chính các chủ thể văn hóa đi cùng với sự "nhập tthân" văn hóa của các nhà nghiên cứu.
Chủ đề văn hóa và phát triển đặt ra những câu hỏi: Vai trò của văn hóa trong phát triển là gì? Vị trí của văn hóa đứng ở đâu trong quá trình phát triển? Làm thế nào để gắn kết văn hóa vào phát triển? Trên thực tế, bất kỳ nhà nghiên cứu nào khi nghiên cứu về văn hóa đều ít nhiều động đến các chiều cạnh khác nhau của phát triển. Khi nhà nghiên cứu đặt các hiện tượng văn hóa trong các chiều tương tác thì tức là đã nghiên cứu về văn hóa từ các góc nhìn khác nhau của quá trình phát triển rồi.
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đã và đang xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh cho phát triển, việc xác định vị trí, tầm quan trọng của văn hóa mới chỉ là một khía cạnh. Khía cạnh quan trọng còn lại là ứng xử với văn hóa như thế nào, đánh giá về các hiện tượng văn hóa như thế nào, và tiến tới đầu tư cho văn hóa ra sao. Đó chính là vấn đề vô cùng lớn và trọng tâm của cả ngành nghiên cứu cũng như đối với diễn ngôn trên truyền thông, trong các văn kiện, chính sách hiện nay về quan hệ giữa văn hóa và phát triển.
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm tổng kết và bế mạc Hội nghị