Ngày 5 tháng 6 năm 2017 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học về chủ đề Văn hóa vỉa hè từ những góc nhìn đa chiều.
Chủ trì tọa đàm PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa.
Tham dự cuộc tọa đàm có các nhà khoa học, các cán bộ, viên chức của Viện Nghiên cứu văn hóa và đại diện Báo Khoa học và Phát triển thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm nêu một số vấn đề có tính gợi mở về văn hóa vỉa hè như:
- Bối cảnh xã hội liên quan đến những bàn luận về vỉa hè và văn hóa vỉa hè;
- Nhận diện văn hóa vỉa hè trên các phương diện: vỉa hè là không gian kinh tế; vỉa hè là không gian sinh hoạt; vỉa hè là không gian xã hội; vỉa hè là không gian kí ức...
- Những hướng nghiên cứu về văn hóa vỉa hè:
+ Bối cảnh tạo dựng và duy trì văn hóa vỉa hè ở đô thị Việt Nam
+ Các chính sách và việc thực thi chính sách liên quan đến vỉa hè;
+ Các hoạt động sinh kế cũng như chiến lược mưu sinh ở vỉa hè của các nhóm dân cư khác nhau;
+ Chiến dịch dẹp vỉa hè và những tác động xã hội của nó;
+ Những khía cạnh xung đột và những sự thỏa hiệp liên quan tới chiến dịch dẹp vỉa hè.
Sau khi PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm trình bày những nội dung trên, đã có nhiều ý kiến đóng góp. GS. TS. Lê Hồng Lý nhấn mạnh sự khác biệt giữa văn hóa vỉa hè ở phương Tây (cụ thể là nước Pháp) với văn hóa vỉa hè ở Hà Nội, Việt Nam; TS. Hoàng Cầm nêu tầm quan trọng của việc nhận diện văn hóa vỉa hè là gì? Các hướng lý thuyết liên quan đến nghiên cứu văn hóa vỉa hè giống như là nơi chốn có ý nghĩa mà không phải chỉ là không gian thực thể; TS. Đào Thế Đức nêu ý kiến về vấn đề sinh kế và sự cần thiết phải quan tâm đến đối tượng hưởng thụ văn hóa vỉa hè; ThS. Vũ Hoàng Hiếu nêu ý kiến vỉa hè không chỉ là ký ức mà vỉa hè còn là biểu tượng văn hóa; PGS. TS. Phạm Quỳnh Phương cho rằng tìm hiểu diễn ngôn về văn hóa vỉa hè để xem xét từ khi nào và trong bối cảnh xã hội ra sao để vỉa hè và văn hóa vỉa hè trở thành vấn đề gây tranh luận là hướng nghiên cứu khả thi; TS. Hồ Thị Thanh Nga nêu kinh nghiệm nghiên cứu của một số học giả nước ngoài về không gian công cộng ở các nước phương Tây và Việt Nam và đặt ra vấn đề Việt Nam có thực sự có không gian công cộng theo đúng cách hiểu của phương Tây? Có lẽ là không vì ở vỉa hè của Việt Nam diễn ra quá trình “riêng tư hóa” không gian công cộng khá rõ nét; và nhiều ý kiến góp ý khác của: TS. Đỗ Lan Phương, TS. Chu Xuân Giao, TS. Đặng Thị Diệu Trang,..
Buổi tọa đàm đã gợi mở ra nhiều vấn đề nghiên cứu thú vị về một chủ đề mang tính thời sự và rất đáng để nghiên cứu. Đây là bước khởi đầu quan trọng cho việc xây dựng ý tưởng nghiên cứu phục vụ cho các dự án nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu văn hóa trong thời gian tới.
PV.
Một số hình ảnh về buổi tọa đàm
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm
Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa chủ trì buổi tọa đàm




