Sáng ngày 26/4/2021, tại hội trường phòng họp Viện Nghiên cứu Văn hóa đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Từ khái niệm 'tơring' nhìn lại mối quan hệ giữa quá trình văn bản hóa luật tục và những biến đổi trong sở hữu đất của người Bahnar, Jrai và Sedang ở Tây Nguyên dưới thời Pháp thuộc (1907 - 1945)” do TS. Nguyễn Đặng Anh Minh trình bày.
Như nhiều tộc người khác ở khu vực Tây Nguyên, người Bahnar đã từng có chế độ sở hữu đất đai tập thể của buôn làng. Từ năm 1850 đến năm 1954, với sự xuất hiện của nhà thờ và sự thiết lập chính quyền thuộc địa Pháp ở Tây Nguyên. Khái niệm “tơring” đã bị “sáng tạo”, thay đổi để phù hợp với mục đích quản lý của các thừa sai và các nhà cầm quyền người Pháp. Theo đó, “tơring” từ chỗ ban đầu có thể chỉ một liên minh quân sự giữa các buôn làng đã trở thành một đơn vị hành chính dưới sự tác động của các thừa sai, tiếp đó bị các nhà cầm quyền biến thành một đơn vị lãnh thổ nơi người dân của nó bị hạn chế đi lại. Nắm trong tay công cụ luật pháp, chính quyền Pháp đã tiến hành soạn thảo/văn bản hóa luật tục. Việc này một mặt đã giúp ghi lại, bảo vệ nền văn hóa của người Bahnar, mặt khác, cùng với việc đưa ra nội hàm mới cho khái niệm “tơring”, cốt lõi của quan niệm về sở hữu đất của người Bahnar đã bị thay đổi. Tiếp cận về sự tương tác giữa các chủ thể như các thừa sai, nhà cầm quyền người Pháp, các già làng… trong quá trình này góp phần lý giải cách mà sự thu hẹp đất đai của người Bahnar đã bắt đầu và để lại ảnh hưởng đến tận ngày nay.
Một số hình ảnh