Chiều ngày 13/1/2021, tại phòng họp 3E nhà A, số 1 Liễu Giai đã diễn ra buổi nghiệm thu đề tài cấp Bộ “Tranh cổ động ở Việt Nam sau đổi mới từ góc nhìn văn hóa” do TS. Nguyễn Mỹ Thanh làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Văn hóa là tổ chức chủ trì thực hiện. Hội đồng nghiệm thu gồm: GS.TS. Đặng Nguyên Anh - Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Nguyễn Xuân Nghị - Phản biện 1; PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Phản biện 2; PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương - Ủy viên; PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền - Ủy viên; TS. Hoàng Cầm - Ủy viên; PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm - Ủy viên; ThS. Trần Thị Bích Nga - Thư ký.
Đề tài cho thấy sự biến đổi của đất nước đã tác động đến những nội dung chính của tranh cổ động. Ngôn ngữ đồ họa đặc trưng của tranh cổ động là hệ thống ký hiệu, ngôn ngữ biểu đạt mang ý nghĩa tuyên truyền, cổ động, đóng vai trò như cầu nối dẫn dắt, là ký hiệu vừa thân quen, vừa mới lạ mà người Việt Nam có thể nhìn thấy được ngay. Theo đó, tri giác, cảm thụ về tranh cổ động đã ngấm vào đời sống từ thời chiến tranh cách mạng. Kể từ sau Đổi mới, nhiều người dân có thể không quan tâm đến ý nghĩa của tranh cổ động song những hình tượng của tranh vẫn được kết nối nhờ các thủ pháp riêng, mang một ý nghĩa khác phù hợp với thời đại mới. Những biểu đạt, nhưng quan niệm, quy chuẩn biểu đạt của tranh cổ động đã ảnh hưởng đến hiện trạng hình thành và trưng bày tranh. Đề tài còn làm rõ vai trò của tranh cổ động như phương tiện truyền thông thị giác, mang một ngôn ngữ, sức mạnh riêng trong xu thế hội nhập. Về vai trò văn hóa, tranh cổ động đã hòa nhập vào đời sống và thể hiện rõ ngay một đời sống chính trị xã hội, thể hiện đặc trưng vùng miền, đặc trưng dân tộc, quá trình phát triển đất nước, tư tưởng của Nhà nước Việt Nam...
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính mới, tính sáng tạo của đề tài so với các nghiên cứu trước đây về tranh cổ động. Nhóm nghiên cứu đã làm rõ được giá trị chính trị, giá trị lịch sử, giá trị mỹ thuật, giá trị văn hóa trong đời sống đương đại của tranh cổ động. Phân tích tranh cổ động như những văn bản thể hiện ý nghĩa biểu đạt được thực hành trong đời sống. Từ hướng nghiên cứu văn hóa, đề tài đã phân tích được những thực hành, biểu đạt của tranh cổ động thông qua hệ thống ngôn ngữ, ký hiệu, cho thấy được một số nét đặc trưng về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Hệ thống tài liệu trong nước và ngoài nước phong phú, có tính cập nhật, nội dung phù hợp với đề tài. Báo cáo tổng hợp cho thấy nội dung nghiên cứu có hệ thống, logic, lập luận, phân tích rõ ràng, đầy đủ và có tính khoa học. Đề tài có giá trị thực tiễn qua việc góp ý cho sáng tác của họa sĩ và quản lý tranh cổ động của các nhà quản lý hiện nay.
Hội đồng nghiệm thu đã quyết định thông qua đề tài với 90,8 điểm, xếp loại Xuất sắc.
Một số hình ảnh