Chiều ngày 13/1/2021, tại phòng họp 3E nhà A, số 1 Liễu Giai đã diễn ra buổi nghiệm thu đề tài cấp Bộ “Thực hành tín ngưỡng thờ Tứ phủ của người Việt từ sau vinh danh” do PGS.TS. Nguyễn Thị Yên làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Văn hóa là tổ chức chủ trì thực hiện. Hội đồng nghiệm thu gồm: GS.TS. Đặng Nguyên Anh - Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Trần Đức Ngôn - Phản biện 1; PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền - Phản biện 2; GS.TS. Lê Hồng Lý - Ủy viên; TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Ủy viên; TS. Nguyễn Ngọc Mai - Ủy viên; PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm - Ủy viên; ThS. Trần Thị Bích Nga - Thư ký.
Đề tài nghiên cứu vấn đề di sản hóa thực hành tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt trên các phương diện Nhà nước, sự tham gia của các tổ chức xã hội, vai trò của cộng đồng thực hành nghi lễ. Đề tài đã tiến hành khảo sát những vấn đề cơ bản về di sản hóa thực hành tín ngưỡng Tứ phủ sau vinh danh tại Hà Nội, Nam Định, Hải Dương và Lạng Sơn - những địa phương có các đền to, phủ lớn, thu hút nhiều tín đồ đến hành lễ và tham dự các lễ hội. Trên cơ sở đó, đề xuất những kiến nghị về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong giai đoạn hiện nay. Dựa trên quan điểm tiếp cận của Oscar Salemink về quá trình di sản hóa các di tích, hiện vật, thực hành tôn giáo và tính chính trị của quá trình này, kết quả nghiên cứu khẳng định rằng sau khi vinh danh, tín ngưỡng Tứ phủ được hoán đổi thân phận trở thành di sản văn hóa với những giá trị văn hóa đại diện cho quốc gia dân tộc, được bảo vệ, phát huy dưới sự bảo trợ pháp lý của Công ước UNESCO, Luật Di sản văn hóa Việt Nam, và đặc biệt là Chương trình Quốc gia về bảo vệ văn hóa phi vật thể. Quá trình di sản hóa diễn ra một xu hướng đặc biệt như xu hướng bổ sung các yếu tố văn hóa tộc người, xu hướng thế tục hóa nghi lễ lên đồng. Một quan điểm lý thuyết quan trọng là di sản và tôn giáo đôi lúc được gắn cho chức năng là sự xác nhận cho nhau, tuy nhiên hai mảng này cũng có khả năng tạo ra căng thẳng và xung đột. Thực tế cho thấy công tác quản lý, bảo tồn, phát huy, vấn đề xã hội hóa, vấn đề quan hệ giữa cộng đồng chủ thể với các bên liên quan đã phản ánh bức tranh đa chiều của việc di sản hóa tín ngưỡng Tứ phủ. Đề tài cũng thảo luận về vấn đề xác định giá trị của di sản, vấn đề phân cấp quản lý, vấn đề phát sinh từ xã hội hóa, khai thác chọn lọc, sân khấu hóa nghi lễ lên đồng...
Sau phần trình bày của chủ nhiệm đề tài, Hội đồng nghiệm thu đã đưa ra những ý kiến phản biện, góp ý trên tinh thần khách quan, thẳng thắn. Hội đồng đánh giá phương pháp nghiên cứu của đề tài thích hợp với nghiên cứu nhân học văn hóa, thể hiện tính hiện đại trong quá trình thu thập tư liệu, cho thấy chân thực và đa chiều về hiện trạng thực hành tín ngưỡng Tứ phủ sau vinh danh. Nhóm nghiên cứu đã vận dụng nhuần nhuyễn lý thuyết về di sản hóa, làm rõ kết quả của di sản hóa, các thành phần tham gia vào di sản hóa. Bên cạnh những thành công của di sản hóa, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra những điểm bất cập, hệ lụy phát sinh ra từ di sản hóa. Các nhận xét, nhận định của đề tài có ý nghĩa khoa học. Tư liệu về hoạt động của Nhà nước, cộng đồng xã hội, hoạt động nghiên cứu liên quan đến tín ngưỡng Tứ phủ có khối lượng lớn, độ tin cậy cao. Công trình có giá trị thực tiễn nhờ cung cấp những thông tin trung thực, đánh giá đầy đủ về các tác động tích cực, tiêu cực của quá trình di sản hóa, chính sách của Nhà nước, từ đó nêu ra những giải pháp cho các nhà quản lý sao cho vừa tôn trọng sự thực hành tín ngưỡng của người dân, vừa đạt mục tiêu đảm bảo sự trong sáng của thực hành tín ngưỡng.
Hội đồng nghiệm thu đã quyết định thông qua đề tài với 82,3 điểm, xếp loại Khá.
Một số hình ảnh