Trong văn hóa dân gian của người dân tộc Thái ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, “Keng Loóng” là một sinh hoạt đặc biệt. “Keng” nghĩa là “gõ”, “Loóng” là chiếc máng bằng gỗ lớn, nhiều năm tuổi, đủ độ già, chắc chắn, tiếng vang, thanh. “Keng Loóng” có nghĩa là “đánh máng” - hành động cầm chày gõ vào máng trong lao động cũng như diễn tấu trong lễ nghi, tín ngưỡng. Mặt khác, có thể hiểu Keng Loóng là tổng thể những phương thức, hình thức, thủ pháp, kỹ thuật diễn tấu Keng Loóng. Trong sản xuất nông nghiệp và cả các nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục của đồng bào đều sử dụng đến Loóng. Nghệ thuật múa Keng Loóng dân tộc Thái có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, đặc biệt trong các dịp lễ hội như: Lễ mừng cơm mới, Lễ Xên Bản, Xên Mường, Lễ Chá chiêng, Tết Nguyên đán...
Tại Quyết định số 3436/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Keng Loóng vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Vào ngày 19/02/2024, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức lễ đón nhận chứng nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Keng Loóng.
Trong cùng ngày, huyện Mai Châu cũng đồng thời tổ chức Lễ hội Xên Mường - một lễ hội dân gian truyền thống, là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng quan trọng đối với cộng đồng dân cư trong địa bàn huyện. Việc tổ chức Lễ hội Xên Mường truyền thống có ý nghĩa cầu mong thần nước phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi nhà no ấm, bản làng yên vui.
Sự kiện lễ đón nhận chứng nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Keng Loóng và tổ chức Lễ hội “Xên Mường” nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường quảng bá, giới thiệu lịch sử và tiềm năng văn hóa, du lịch của huyện Mai Châu, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh và tạo không khí vui tươi phấn khởi nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn năm 2024.
Nguồn: Báo Hòa Bình