Sáng 07/05/2025, Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng phối hợp Hiệp hội Du lịch Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Báo chí tuyên truyền, quảng bá, kết nối di sản văn hóa Hải Phòng – vùng Duyên hải Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng”. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng, hưởng ứng Lễ hội Hoa Phượng đỏ - Hải Phòng 2025.
Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Khoa học lịch sử; Hội Văn học nghệ thuật; Nhà hát sân khấu truyền thống; Bảo tàng và thư viện. Hội Nhà báo các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình cùng các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng chia sẻ, đồng bằng sông Hồng được gọi là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có nhiều thuận lợi về cả địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa và nhiều tiềm năng, lợi thế to lớn, vượt trội để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhanh và bền vững, đặc biệt là những giá trị về di sản văn hóa được bảo tồn và phát triển giúp cho ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sản phẩm đa dạng, độc đáo, gắn với nền văn minh sông Hồng. Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa đặc trưng, là nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch phong phú, đa dạng như: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du khảo đồng quê… Đây cũng là vùng đất của nhiều lễ hội truyền thống, điển hình là các lễ hội đền Trần, hội Gióng, hội Lim, lễ hội chùa Hương, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ... cùng nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc như chèo, quan họ, hát văn, tuồng, múa rối nước...
Đặc biệt, khu vực đồng bằng sông Hồng có nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận như: vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, bia đá các khoa thi tiến sĩ Triều Lê - Mạc, hội Gióng ở đền Phù Đổng, đền Sóc (Hà Nội), Ca trù và Quan họ Bắc Ninh. Vì thế, Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu cụ thể phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sản phẩm đa dạng, độc đáo, gắn với phát huy giá trị của nền văn minh Sông Hồng, phấn đấu đến năm 2030 thu hút trên 120 triệu lượt khách.
Do đó, Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng và Hiệp hội Du lịch Hải Phòng lựa chọn một trong những nội dung quan trọng được đề ra trong Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị để tổ chức Hội thảo về chủ đề “Báo chí tuyên truyền, quảng bá và kết nối di sản văn hóa Hải Phòng - vùng duyên hải Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng”. Đây không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm của đội ngũ các nhà báo trong công tác tuyên truyền, nhằm quảng bá tiềm năng giá trị di sản văn hóa và thế mạnh du lịch của các địa phương, qua đó, góp phần tạo sự kết nối trong bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa gắn với hợp tác phát triển du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ.
18 tham luận tại hội thảo của các đại biểu làm rõ một số nội dung quan trọng về ngành công nghiệp văn hóa của Hải Phòng, phát triển du lịch văn hóa trên nền tảng giá trị văn hóa và con người Hải Phòng, phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch nông nghiệp mang lại những giá trị trải nghiệm mới cho du khách... Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ các giải pháp khai thác, phát triển tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh, di sản, làng nghề tại Hải Phòng và các địa phương trong vùng Duyên hải Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng; đưa văn hóa ẩm thực trở thành điểm nhấn trong các tour du lịch; phát huy giá trị di sản thiên nhiên để xây dựng các trung tâm du lịch quốc tế...
Nguồn: Báo Hải Phòng điện tử