[Hà Nội] Hội thảo khoa học “Di sản văn hóa Bắc Từ Liêm, làng khoa bảng Đông Ngạc với kết nối chuỗi giá trị di sản văn hóa, du lịch trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo”

29/08/2024

Ngày 27/08/2024, UBND quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Di sản văn hóa Bắc Từ Liêm, làng khoa bảng Đông Ngạc với kết nối chuỗi giá trị di sản văn hóa, du lịch trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo”.

Theo TS. Bùi Văn Tuấn (Phó Viện trưởng Viện Hà Nội học, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội,Tổng Chủ biên Địa chí Bắc Từ Liêm ), di sản văn hóa ngày nay được xem là một nguồn lực quan trọng để kết nối chuỗi giá trị văn hoá, du lịch trong phát triển Công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố Sáng tạo. Ở nhiều địa phương, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã biến các di sản này thành những sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn, thu hút du khách, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương và quốc gia.

Nằm ở phía tây kinh đô Thăng Long, tiếp giáp với sông Hồng, từ chiều sâu lịch sử văn hóa, Từ Liêm đã có sự giao thoa, ảnh hưởng mạnh mẽ nhiều giá trị văn hóa của người Thăng Long. Những làng cổ hình thành ven sông đã tiếp giao các đặc trưng văn hóa của xứ Đoài mà Sơn Tây - Ba Vì là vùng lõi, vừa thâu nhận những giá trị văn hóa tiêu biểu, truyền thống văn hiến của đất kinh kỳ. Trên nền tảng văn hóa của vùng đất “tứ chiếng”, Từ Liêm trước đây và nay là Bắc Từ Liêm đã hình thành nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu. Truyền thống hiếu học với những tài năng đỗ đạt cao trong các kỳ thi, đóng góp nhiều nhân tài cho đất nước của làng khoa bảng Đông Ngạc, hệ thống di tích đình, đền, miếu, nhiều lễ hội, phong tục tập quán truyền thống phản ánh tinh thần đoàn kết, tính cố kết cộng đồng của người dân. Bắc Từ Liêm cũng là nơi hình thành nhiều làng nghề thủ công tiêu biểu, phản ánh nét tài hoa, khéo léo của con người. Với nét đẹp văn hóa kết tinh ven dòng chảy của sông Hồng, hội tụ nhiều giá trị văn hiến của kinh đô Thăng Long, đây là vùng đất có nhiều điều kiện thuận lợi để bảo tồn, lưu giữ, phát huy và kết nối chuỗi giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch. 

Theo TS. Bùi Văn Tuấn, bối cảnh hiện nay đang đặt ra yêu cầu đối với các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống; giúp cộng đồng duy trì và phát huy các nguồn lực văn hoá, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nhân văn để phát triển du lịch, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đồng thời hạn chế tác động tiêu cực của đô thị hoá đến giá trị di sản. Hội thảo khoa học “Di sản văn hoá Bắc Từ Liêm, Làng Khoa bảng Đông Ngạc với kết nối chuỗi giá trị Di sản văn hoá, du lịch trong phát triển Công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố Sáng tạo” nhằm huy động sự đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà quản lý thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, cùng bàn thảo và tư vấn cho Bắc Từ Liêm một số nội dung cốt lõi xoay quanh chủ đề này.

Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương nhấn mạnh, Bắc Từ Liêm là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng; nơi sản sinh và lưu giữ nhiều công trình văn hóa tiêu biểu, đậm bản sắc dân tộc và có giá trị quan trọng về văn hóa, kiến trúc và lịch sử như Đình Chèm, Lễ hội Bơi Đăm, Lễ hội Đình Chèm… Với tiềm năng dồi dào, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm cho rằng, hiện nay việc khai thác các tài nguyên du lịch văn hoá nói chung, giá trị di sản văn hoá nói riêng cho phát triển du lịch trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế cả về cơ chế tổ chức triển khai, phát triển sản phẩm và thị trường khách, sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp địa phương trong các hoạt động du lịch, cũng như các hoạt động bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và khai thác các di sản văn hoá cho phát triển du lịch.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng bàn thảo, tư vấn và “hiến kế” nhằm thực hiện tốt công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững trên địa bàn.

PGS.TS Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, Bắc Từ Liêm đang trở thành một khu đô thị hiện đại, tập trung nhiều khu đô thị mới, trung tâm hành chính, thương mại và dịch vụ. Quận cũng đang nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, góp phần tạo nên một diện mạo mới, vừa hiện đại, vừa giữ gìn bản sắc truyền thống. Quận Bắc Từ Liêm có di sản văn hóa phi vật thể phong phú, 35 di sản văn hóa phi vật thể, gồm các lễ hội truyền thống, nghi lễ dân gian, và phong tục tập quán. Trong đó, hai lễ hội nổi bật là Lễ hội Đình Chèm và Lễ hội Bơi Đăm đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thu hút đông đảo du khách. Thực tế, những năm gần đây, tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch văn hóa tâm linh của quận Bắc Từ Liêm cũng đã và đang phát huy có hiệu quả. Tuy nhiên, trong tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh với số lượng các di sản văn hóa đồ sộ, công tác quản lý di sản văn hóa đã đặt ra cho ngành văn hóa không ít khó khăn bất cập, đòi hỏi có định hướng lâu dài, kế hoạch rõ ràng để có cái nhìn tổng thể về di sản, từ đó có những cơ chế, quyết sách phù hợp hơn.

Các chuyên gia cũng đề cập đến nhiều khía cạnh khác như PGS.TS Đinh Thị Vân Chi, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam với gợi ý về phát triển du lịch di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm; TS. Nguyễn Quang Anh, Trường Đại học KHXH & NV, ĐHQGHN với tham luận “Tiềm năng phát triển du lịch đường sông ở Hà Nội: Nghiên cứu trường hợp quận Bắc Từ Liêm”. TS. Lê Thị Thu Hương (Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) đề cập  “Thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Bắc Từ Liêm trong bối cảnh thực hiện công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô Hà Nội”…

Hội thảo cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn tư vấn cho lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm thực hiện bảo tồn, lưu giữ, phát huy và kết nối chuỗi giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch trong phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng đô thị sáng tạo trên địa bàn.

Theo: Báo Văn hóa



Các tin khác:

Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Văn Hóa
Giấy phép số 499/GP-BC ngày 15/11/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin lên mạng Internet
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm
Địa chỉ: 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Việt Nam. Email: vienvh@gmail.com
Điện thoại: 043.9784868. Fax: 043.9725903