[Hà Nội] Hội thảo "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa vùng đất Đan Phượng và danh nhân Tô Hiến Thành"

21/02/2025

Ngày 19/02/2025, Ủy ban Nhân dân huyện Đan Phượng phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử – văn hóa quê hương Đan Phượng và danh nhân Tô Hiến Thành”. Tham dự Hội thảo có: nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ; nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử…

Đây là lần thứ ba hội thảo về chủ đề này được tổ chức nhằm làm tiếp tục bổ sung, làm rõ, sáng tỏ hơn vị trí, quy mô, vai trò của Thành cổ Ô Diên trong quá trình tồn tại ở thế kỷ thứ VI; thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp của danh nhân Tô Hiến Thành; công tác bảo tồn hệ thống di sản văn hoá liên quan đến Thành cổ Ô Diên và danh nhân Tô Hiến Thành. Đồng thời qua đó thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ tôn tạo, quy hoạch và phát huy giá trị cụm di tích gắn với phát triển du lịch của huyện, để nơi đây thực sự trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của TP. Đồng thời kết nối, khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng của Thủ đô; là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của Nhân dân trong huyện, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, Đan Phượng được biết đến là một vùng đất cổ, nơi hợp lưu của 3 con sông: Hồng, Đáy, Nhuệ, nơi có Thành cổ Ô Diên được chọn làm kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân thời Hậu Lý Nam Đế. Đây cũng là mảnh đất văn hiến, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa gắn với nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo như hát chèo tàu, ca trù, thả diều sáo, góp phần làm phong phú nền văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Đặc biệt, Đan Phượng là nơi có hệ thống di tích lịch sử văn hóa đa dạng, trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, 37 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 50 di tích xếp hạng cấp TP. Một số di tích có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu gắn với cuộc khởi nghĩa Lý Bí và Thành cổ Ô Diên (thế kỷ VI) như cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác (xã Hạ Mỗ)… Đây chính là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn của của Nhân dân và cán bộ huyện Đan Phượng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị các di sản văn hóa ở địa phương.

Mảnh đất Đan Phượng cũng là nơi đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú làm rạng danh quê hương, đất nước, trong đó có Thái uý Tô Hiến Thành, là Danh nhân văn hóa kiệt xuất nhất của quốc gia Đại Việt thế kỷ XII… Những công lao và đóng góp của Danh nhân Tô Hiến Thành đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử Việt Nam, tư tưởng và di sản của ông có sức sống mãnh liệt, có sự lan toả xuyên thời đại, bồi đắp các giá trị lịch sử – văn hoá đến nhiều thế hệ hôm nay và mai sau.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội cho biết, khu vực thành cổ Ô Diên là một vùng, là khu vực trung tâm chính trị quân sự của nhà nước Vạn Xuân và ngày nay cũng trên vùng đất này còn hiện hữu những di tích lịch sử quan trọng liên quan đến thành cổ Ô Diên như đền Chính Khí, miếu Hàm Rồng, chùa Hải Giác, đền Văn Hiến và đặc biệt là vùng khởi nguồn sông Đáy, sông Nhuệ (mà trước đây hay gọi là sông Từ Liêm) nối với sông Hồng. Hội thảo cũng bước đầu thống nhất một số nội dung quan trọng khẳng định vùng Hạ Mỗ (cả khu vực trong đê và ngoài đê là không gian của thành cổ Ô Diên) cần tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Từ đó công việc nghiên cứu vẫn được duy trì. Tuy chưa liên tục, nhưng trên thực tế, một số di tích đã được tu bổ, tôn tạo, khu di sản Hạ Mỗ vẫn đang được quan tâm. Hội thảo lần này là dịp nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện thêm những kết quả nghiên cứu của Hội thảo trước đây và làm cơ sở khoa học cho định hướng quy hoạch bảo tồn lâu dài Thành cổ Ô Diên, vùng văn hiến Ô Diên theo quy hoạch mới vừa được Chính phủ phê duyệt.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tập trung vào các vấn đề như: Thành Ô Diên và quê hương Danh nhân Tô Hiến Thành; Cuộc đời, sự nghiệp của Thái phó Tô Hiến Thành; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử – văn hóa quê hương Đan Phượng và danh nhân Tô Hiến Thành. Hội thảo không chỉ giúp huyện Đan Phượng trong việc một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí rất quan trọng của Thành Ô Diên trước đây cũng như huyện Đan Phượng trong giai đoạn hiện nay mà còn đóng góp cho Hà Nội, cả quốc gia về tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc và Thăng Long - Hà Nội.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội

 



Các tin khác:

Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Văn Hóa
Giấy phép số 499/GP-BC ngày 15/11/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin lên mạng Internet
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm
Địa chỉ: 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Việt Nam. Email: vienvh@gmail.com
Điện thoại: 043.9784868. Fax: 043.9725903