Ngày 31/5, tại Trường Đại học Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Giáo dục Văn hóa - Nghệ thuật dân tộc trong nhà trường phổ thông và đại học”. Hội thảo do Viện phát triển Giáo dục Việt Nam (VIED) và Trường Đại học Tây Nguyên phối hợp tổ chức thu hút gần 100 nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục trên cả nước với 47 tham luận. Hội thảo đặt mục tiêu cung cấp lý luận, phương pháp để đội ngũ nhà giáo, các địa phương thực hiện hiệu quả nhiệm vụ Giáo dục Văn hóa - Nghệ thuật (VHNT) dân tộc trong nhà trường phổ thông và đại học.
Báo cáo đề dẫn, GS.TS Nguyễn Thanh Hà - Viện trưởng VIED khẳng định, VHNT dân tộc là suối nguồn của cuộc sống: “Việt Nam là đất nước đa dân tộc, phong phú văn hóa tộc người, đây là nguồn lực vô tận cho giáo dục VHNT dân tộc trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chúng ta cũng là quốc gia có nền văn hóa đậm đà bản sắc, có lực lượng nghệ nhân VHNT vô cùng phong phú, giỏi cả về lý luận lẫn thực hành”, GS.TS Hà nhấn mạnh, đồng thời nêu yêu cầu các nhà khoa học cần xây dựng và hoàn thiện bản thiết kế phù hợp để kết nối các nguồn lực quý giá ấy, trực tiếp đóng góp cho sự nghiệp giáo dục con người văn hóa hôm nay và mai sau.
Còn theo PGS.TS Lê Đức Niêm - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên, Hội thảo đặt ra mục tiêu, nhận diện giá trị và tầm quan trọng của Giáo dục VHNT dân tộc trong hệ thống giáo dục Việt Nam và thế giới, đồng thời tạo mạng lưới các nhà khoa học về VHNT các dân tộc Việt Nam: “Đây là diễn đàn cấp quốc gia, giúp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo đến từ các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu và các sở ban ngành trên cả nước chia sẻ những kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước”, PGS.TS Niêm nêu.
Trao đổi về vấn đề này, TS Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk đưa ra 5 giải pháp trọng tâm mà tỉnh Đắk Lắk đã áp dụng và đạt hiệu quả nhất định, gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Giáo dục VHNT dân tộc cho thầy cô giáo và học sinh. Lồng ghép vào các bài dạy ở một số môn để truyền thụ cho học sinh kiến thức, kỹ năng khoa học và những giá trị về văn hóa truyền thống, nghệ thuật dân tộc. Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực VHNT cho đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Gắn nhiệm vụ Giáo dục VHNT dân tộc với xây dựng văn hóa nhà trường. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về Giáo dục VHNT dân tộc.
Các đại biểu, nhà khoa học cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của công tác Giáo dục VHNT dân tộc trong nhà trường phổ thông và đại học hiện nay. Điều dễ nhận thấy nhất, chưa có nguồn tư liệu riêng về VHNT các dân tộc ở Tây Nguyên và Tây Nam bộ để giáo viên tham khảo. Điều này được Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam dẫn chứng: “Khi dạy giáo dục địa phương tại Đắk Lắk nói về tù trưởng Ama Jhao, giáo viên không hề có tư liệu nào liên quan đến nội dung bài dạy. Tài liệu về văn học viết của các tác giả người địa phương cũng không phải dễ tìm ở các thư viện”.
Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng đồng thời chỉ ra thêm, nhiều công trình nghiên cứu về giảng dạy VHNT hiện nay ít có giá trị thực tiễn. Lý do là người nghiên cứu chủ yếu tìm hiểu qua văn bản, báo cáo của địa phương…, ít dấn thân vào đời sống văn hóa sôi động, đầy màu sắc của nhân dân.
Nguồn: Báo Giáo dục Thủ đô