Mời viết bài: Hội nghị Thông báo văn hóa năm 2024

22/04/2024

Kính gửi: Các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo và quản lý

Văn hoá, bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể theo định nghĩa của UNESCO, của các cộng đồng tộc người ở Việt Nam, cho dù là các cộng đồng ở đô thị hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi đã và đang trải qua quá trình biến đổi lớn. So với các giai đoạn trước, sự hoà nhập ngày một toàn diện, đầy đủ và mạnh mẽ hơn ở các khía cạnh kinh tế, văn hoá - xã hội ở các cộng đồng/tộc người vào dòng chảy của quốc gia và quốc tế từ đổi mới 1986 đã làm gia tăng mức độ cũng như đa dạng hoá các dạng thức và chiều kích biến đổi của văn hoá Việt Nam. Ở cấp độ các cộng đồng chủ thể, sự kết nối, thông qua dòng chảy qua lại của thông tin, hệ giá trị, nguồn lực kinh tế cũng như sự dịch chuyển qua lại của con người (miền núi - đồng bằng, nông thôn - thành thị, Việt Nam - quốc tế), đã dẫn đến sự thay đổi của nhiều thực hành, hệ giá trị, căn tính văn hoá, hệ thống nghĩa cũng như khát vọng về cuộc sống văn hoá mới ở các tộc người. Ở cấp độ quốc gia, việc tham gia ngày càng toàn diện và đầy đủ của Việt Nam vào các Công ước cũng như các Chương trình nghị sự phát triển quốc tế, (chẳng hạn như Công ước của UNESCO về đa dạng văn hoá hay Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững) cũng tạo tiền đề cho sự thay đổi của các chính sách vĩ mô ở lĩnh vực kinh tế, văn hoá và xã hội, từ đó tạo ra các thay đổi trong thực hành văn hoá ở các tộc người và vùng, miền.

Tuy nhiên, sự biến đổi văn hoá trong bối cảnh và như là hệ quả của các kết nối quốc tế và khu vực, của các chính sách phát triển của nhà nước, vv... không đơn giản là đi theo một chiều hay một khuôn mẫu nhất định nào đó hay ở các cấp độ và chiều kích giống nhau. Các “va đập" [friction] ở các cấp độ khác nhau này của con người (thông qua du lịch và di cư), của hàng hoá (buôn bán, trao đổi) hay thực hành văn hoá (tiếp biến, vay mượn) tạo ra các thực hành và hệ giá trị ẩn chứa sự đan cài và ở một mức độ nào đó là mẫu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa địa phương và khu vực, giữa tộc người và quốc gia. Trong bối cảnh và điều kiện sống mới, các thực hành và hệ giá trị có sự khác biệt về chiều kích và mức độ biến đổi so với thực hành và hệ giá trị văn hoá truyền thống đã giúp cho các cá nhân, cộng đồng và tộc người tái định vị và thích ứng vóĩ các nghịch lý và khác biệt mà toàn cầu hoá tạo ra. Chính vì vậy, chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy rằng, trong khi các cộng đồng dành nhiều nỗ lực để bảo tồn và phát huy nhiều phong tục, tập quán và nếp sống cổ truyền có ý nghĩa từ góc nhìn chủ thể, họ cũng cùng lúc lựa chọn nhiều thành tố văn hoá và giá trị từ bên ngoài để tạo dựng một cuộc sống hiện đại.

Hội thảo Thông báo Văn hoá năm 2024 của Viện Nghiên cứu Văn hoá với chủ đề "Văn hoá Việt Nam trong các chiều kích biến đổi" sẽ là diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu trình bày, trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu mới, bao gồm cả các khuynh hướng tiếp cận mới về biến đổi văn hoá trên thế giới và Việt Nam cũng như về các dạng thức biểu hiện và chiều kích biến đổi của văn hoá các tộc người, vùng miền trong bối cảnh Việt Nam đương đại. Hội thảo sẽ tập trung vào 03 nội dung chính như sau:

       1. Nền tảng lý luận và các khuynh hướng lý thuyết và phương pháp luận mới trong nghiên cứu về biến đổi văn hoá trong ngành nhân học - nghiên cứu văn hoá trên thế giới (Hiện đại hoá, toàn cầu hoá, kinh tế chính trị, giao lưu, tiếp biến văn hoá...)

       2. Các dạng thức biểu hiện và các chiều kích biến đổi thực hành hoá trong đời sống các cộng đồng, tộc người (Văn hoá sinh kế, bản sắc văn hoá cộng đồng và cá nhân, nghi lễ, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, văn hoá tín ngưỡng, thực hành di sản...)

       3. Các chiều kích biến đổi văn hoá ở Việt Nam và các hàm ý chính sách (phát triển bền vững tộc người, khu vực, bảo tồn và phát huy giá trị và di sản văn hoá, biến đổi văn hoá và các hệ giá trị văn hoá mới...)

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC HỘI THẢO

Thời hạn gửi bài tham luận: trước ngày 15/10/2024

Thời gian tổ chức: Dự kiến tuần thứ 2 của tháng 11 năm 2024

Địa điểm tổ chức: Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số 27 Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.                                                                .

ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ VÀ GỦI BÀI THAM LUẶN

Bài tham luận xin được gửi về Ban Tổ chức Hội thảo qua địa chỉ: Bộ phận Quản lý Khoa học, Viện Nghiên cứu Vãn hóa, 27 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

File điện tử gửi đến địa chỉ Email: qlkh.ics@gmail.com

Điện thoại liên hệ: ThS. Hoàng Thị Thu Hằng, số điện thoại: 0936.881.486 

Trân trọng./.

 

Link: Toàn văn thư mời



Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Văn Hóa
Giấy phép số 499/GP-BC ngày 15/11/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin lên mạng Internet
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm
Địa chỉ: 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Việt Nam. Email: vienvh@gmail.com
Điện thoại: 043.9784868. Fax: 043.9725903