Giới thiệu Phòng nghiên cứu văn hóa đương đại

07/03/2022

I. Chức năng, nhiệm vụ

       Phòng Nghiên cứu Văn hoá đương đại có các nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề văn hoá đương đại theo hướng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và dự báo; Nghiên cứu các hiện tượng văn hoá mới nảy sinh trong xã hội đương đại, trong đó có những vấn đề văn hoá đại chúng, truyền thông, truyền thông xã hội, văn hoá tiêu dùng, văn hoá đô thị, thực hành văn hoá thường ngày, đồng thời quan tâm đến khía cạnh văn hoá của các hiện tượng xã hội như phong trào xã hội, xã hội dân sự; Xem xét sự tương tác giữa các hiện tượng văn hoá đương đại với các yếu tố truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi của xã hội Việt Nam hiện nay.

       II. Lịch sử hình thành và phát triển

       Phòng Nghiên cứu Văn hoá đương đại được thành lập theo quyết định số 1478/QĐ-KHXH, ngày 25/09/2013, về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Văn hoá. Đây là một nỗ lực nhằm mở rộng các hướng nghiên cứu mới, sau khi Viện đổi tên từ Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian sang thành Viện Nghiên cứu Văn hoá. PGS.TS Phạm Quỳnh Phương lúc đó đang là trưởng phòng Nghiên cứu Tín ngưỡng lễ hội được điều chuyển sang làm trưởng phòng Nghiên cứu Văn hoá đương đại. Các cán bộ nghiên cứu của Phòng được điều động từ các phòng nghiên cứu khác trong Viện: TS. Vũ Tú Quỳnh chuyển đến từ phòng Nghiên cứu nghệ thuật, ThS. Lê Thị Phượng chuyển đến từ phòng Nghiên cứu Tín ngưỡng lễ hội. Vào năm 2017, để hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Phòng, GS.TS Lê Hồng Lý (sau khi nghỉ quản lý ) và TS. Hoàng Cầm (Phó Viện trưởng) cũng tham gia sinh hoạt chuyên môn trong Phòng Nghiên cứu Văn hoá đương đại. Tháng 11/2018, Phòng tiếp nhận thêm ThS. Nguyễn Thanh Tùng thông qua tuyển dụng.

       Mặc dù mới hình thành 6 năm, một khoảng thời gian khá ngắn so với lịch sử 40 năm của Viện, nhưng các cán bộ trong phòng đều đã có kinh nghiệm nhiều năm làm nghiên cứu trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau.  Phòng có 3 cán bộ nghiên cứu được đào tạo tại nước ngoài (GS.TS Lê Hồng Lý làm tiến sĩ chuyên ngành Ngữ văn tại Viện Hàn lâm khoa học Bulgaria; PGS.TS Phạm Quỳnh Phương nhận bằng tiến sĩ Nhân học tại Đại học La Trobe, Australia; TS. Hoàng Cầm nhận bằng tiến sĩ Nhân học tại Đại học Washington, Hoa Kỳ) và 3 cán bộ được đào tạo từ Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn (ThS. Lê Thị Phượng học chuyên ngành Việt Nam học, ThS. Nguyễn Thanh Tùng tốt nghiệp ngành Dân tộc học) và Học viện Khoa học Xã hội (TS. Vũ Tú Quỳnh nhận bằng tiến sĩ ngành Văn hoá học). Các hướng nghiên cứu mới mẻ của Phòng Nghiên cứu Văn hoá đương đại vừa là sự kế thừa từ những tri thức chuyên môn sẵn có của các cán bộ trong phòng, vừa là những thử nghiệm các hướng đi và vấn đề nghiên cứu mới, nhằm nhận diện một cách bao quát đời sống văn hoá đương đại.

Ảnh: cán bộ Phòng Nghiên cứu Văn hoá đương đại (2019)

 

III. Thành tựu nghiên cứu

       Văn hoá đương đại được xem là các vấn đề gắn với đời sống hàng ngày, bị chi phối bởi các xung lực và động năng của bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị đương đại. Chính vì vậy, ngoài những chủ đề nghiên cứu phổ biến trước đây (như lễ hội, tín ngưỡng, ẩm thực, làng xã, nghệ thuật biểu diễn dân gian) được nhìn với những lăng kính mới của ngành Nghiên cứu văn hoá, phòng Nghiên cứu Văn hoá đương đại hướng tới các chủ đề văn hoá thường ngày, văn hoá truyền thông (đặc biệt truyền thông xã hội), văn hoá tiêu dùng, chính trị hàng ngày, phong trào xã hội, văn hoá tính dục, nghệ thuật công cộng đường phố..vv. Được soi chiếu dưới nhận thức luận diễn giải, Phòng Nghiên cứu Văn hoá đương đại đi theo hướng phân tích văn hoá nhằm khám phá các chiều kích của sự kiến tạo văn hoá và diễn ngôn trong thời gian và không gian, trong mối quan hệ với mạng lưới nghĩa và sự vận hành của quyền lực, chịu tác động đa chiều của các bối cảnh kinh tế-xã hội địa phương và toàn cầu.

       Hướng nghiên cứu các vấn đề văn hoá truyền thống trong bối cảnh đương đại từ những lăng kính mới được thể hiện qua một số công trình phân tích sự biến đổi trong đời sống văn hoá của các cộng đồng trong nhiều vùng miền của đất nước cũng như tính chính trị của văn hoá. Có thể kể tên một số nghiên cứu có cán bộ trong phòng tham gia như: Vai trò của văn hoá và lối sống trong phát triển bền vững Tây Nguyên (2013-2014, đề tài nhánh của chương trình nhà nước Tây Nguyên 3 do GS.TS Lê Hồng Lý chủ nhiệm, TS.Hoàng Cầm và PGS.TS Phạm Quỳnh Phương là thành viên nghiên cứu chính), Điều tra thực trạng các di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam được Unesco công nhận do GS.TS Lê Hồng Lý chủ nhiệm, Hoàng Cầm thành viên (Đề tài trọng điểm cấp Bộ, 2018), Di sản hóa và những vấn đề không mong muốn của TS. Vũ Tú Quỳnh (Đề tài cơ sở 2014); “Khôi phục lễ hội truyền thống - tạo dựng bản sắc cộng đồng trong bối cảnh đương đại” (Tạp chí Văn hóa và nguồn lực, Đại học Văn hóa Tp.HCM, số 1/2018) và “Động thái của người dân đối với việc quy hoạch không gian sản xuất” (Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1/2019) của Th.s Lê Thị Phượng. Cũng trong hướng quan tâm đến sự biến đổi của nông thôn trong đời sống đương đại, thành viên mới trong phòng là ThS. Nguyễn Thanh Tùng nghiên cứu các tiến trình văn hóa liên quan đến vị thế xã hội trong xã hội nông thôn hiện đại, như vấn đề văn hóa vinh danh; vai trò của danh hiệu, danh tiếng, danh dự và uy tín trong cấu trúc vị thế xã hội ở nông thôn hiện nay.

       Khá nhiều các xuất bản phẩm của các nhà nghiên cứu trong Phòng về sự biến đổi đời sống văn hoá của các tộc người thiểu số, trong mối quan hệ với những biến động về môi trường, kinh tế, và tác động của chính sách. Sử dụng cách tiếp cận nhân học văn hoá, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương phân tích vấn đề tảo hôn và biến đổi văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số:  “Kết hôn tr em  mt s cng đồng tc ngoi thiu s  Vit Nam – mt phân tích t góc nhìn nhân hc” (đồng tác giả, Nxb Thanh niên, 2017), cũng như thảo luận về những biến động trong đời sống tâm linh của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay: “Sự biến đổi tâm thức tôn giáo truyền thống ở Tây Nguyên” (Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáosố 4, 2014) và “Nhận diện các xu hướng biến đổi trong đời sống tôn giáo ở Tây Nguyên hiện nay” (Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáosố 2, 2015).  Sử dụng cách tiếp cận sinh thái chính trị, TS. Hoàng Cầm và các đồng nghiệp đã phân tích những xung đột xoay quanh việc quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên tại các cộng đồng dân tộc thiểu số: ‘This is my garden’: justice claims and struggles over forests in Vietnam’s REDD+, ClimatePolicy, (2018); “REDD+ on the rocks? Conflict Over Forest and Politics of Justice in Vietnam”, Human Ecology, số 2, tập 44, 2016, “Bất đồng về đất đai và tính chính trị của công lý ở một thung lũng vùng người Thái Tây Bắc” (Tạp chí Nghiên cứu Văn hoá Việt Nam, số 3, 2019). Cũng về chủ đề biến đổi sinh kế trong mối quan hệ với văn hoá và chính sách, các nhà nghiên cứu trong phòng còn có một số công trình như: “Từ sinh kế sinh tồn sang sinh kế thị trường: Hiện trạng và thách thức của một số tộc người thiểu số ở Tây Nguyên” của Hoàng Cầm (đồng tác giả, Tạp chí KHXH và NV, tập 3, số 4); Những thách thức trong phát triển cây ca cao tại Việt Nam – Nghiên cứu ở Đắk Lắk và Lâm Đồng (Nxb Khoa học xã hội, 2014) của Phạm Quỳnh Phương, Hoàng Cầm, và các tác giả khác. Bên cạnh đó, Phòng cũng có một số công trình quan tâm đến tầm quan trọng của diễn ngôn và quyền lực trong việc tác động đến sự biến đổi của văn hoá và sinh kế tộc người: Diễn ngôn, Chính sách và Sự Biến đổi Văn hóa - Sinh kế tộc người (Nxb Thế giới, 2012) của Hoàng Cầm và Phạm Quỳnh Phương; Diễn ngôn phát triển, chuyển đổi sinh kế và biến đổi văn hoá ở người Cơ Ho và Ê Đê, Tây Nguyên (Đề tài cấp Bộ 2017-2018) do Hoàng Cầm làm chủ nhiệm (được hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc).

       Nghệ thuật trong bối cảnh đương đại cũng là hướng nghiên cứu được quan tâm. TS. Vũ Tú Quỳnh phát triển mối quan tâm này theo hai hướng: sự thích ứng của nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh đương đại và các hình thức nghệ thuật đương đại. Ở hướng thứ nhất, dựa trên nghiên cứu loại hình nghệ thuật rối nước dân gian và sự biến đổi của nó, Vũ Tú Quỳnh xuất bản một số công trình như Rối nước châu thổ Bắc Bộ, sự phục hồi từ đổi mới đến nay (Nxb Khoa học xã hội, 2014); Múa rối nước dân gian làng Ra (Nxb Khoa học xã hội, 2015); “Rối nước, từ sân khấu dân gian đến sân khấu đô thị” (Tạp chí Văn hoá dân giansố 5, 2006); “Rối nước Việt Nam trên con đường làm mới truyền thống” (Tạp chí Văn hoá dân gian, số 5, 2009). Ở hướng thứ hai, thông qua nghiên cứu về nghệ thuật biếm hoạ, nghệ thuật công cộng, tìm hiểu tiếng nói phản biện của nghệ sĩ trước các vấn đề cuộc sống, cách người nghệ sĩ tham gia vào đời sống chính trị và thể hiện trách nhiệm công dân, Vũ Tú Quỳnh đã có một số công trình như: Biếm hoạ giao thông, một góc nhìn đối thoại về sự phát triển đô thị (Đề tài cơ sở 2017); “Biếm hoạ giao thông từ góc nhìn văn hoá” (Tạp chí Văn hoá dân gian, số 6, 2017); Mã và giải mã, một góc nhìn từ nghệ thuật biếm hoạ (đề tài cơ sở 2018); Nghệ thuật công cộng ở Hà Nội (đề tài cơ sở 2019).

       Trong nỗ lực mở rộng các chủ đề nghiên cứu theo hướng văn hoá đương đại, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương đã xuất bản một số bài viết có tính lý luận để gợi mở các hướng nghiên cứu cho phòng, như giới thiệu cách tiếp cận mới của ngành Nghiên cứu văn hoá phương Tây (“Ngành Nghiên cứu văn hóa: lược sử hình thành và cách tiếp cận” in trong Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, số 6, 12/2013), cách tiếp cận kiến tạo luận trong nghiên cứu văn hoá ("Tính dục: kiến tạo xã hội và diễn ngôn - quyền lực", in trong Tạp chí Văn hóa dân gian, số 5/2013); giới thiệu hướng lý thuyết nghiên cứu văn hoá thường ngày (“Văn hoá thường ngày – một khía cạnh lý thuyết” in trong Tạp chí Văn hoá họcsố 4/2014); hướng nghiên cứu văn hoá tiêu dùng (“Các hướng tiếp cận lý thuyết về tiêu dùng và văn hoá tiêu dùng” in trong Tạp chí Văn hoá dân giansố 4/2018); hướng nghiên cứu văn hoá truyền thông (“Stuart Hall với nghiên cứu truyền thông từ góc độ của ngành nghiên cứu văn hóa” in trong Tạp chí Văn hóa dân giansố 6/2011; Truyền thông xã hội: mối quan hệ Nhà nước-xã hội ở Việt nam, Đề tài cơ sở 2019)..vv Đặc biệt hướng nghiên cứu về văn hoá chính trị, phong trào xã hội được PGS.TS Phạm Quỳnh Phương cụ thể hoá bằng đề tài cấp Bộ năm 2015-2016 Phong trào của người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam: nhận diện từ cách tiếp cận của ngành Nghiên cứu Văn hoá (Phạm Quỳnh Phương làm chủ nhiệm, Vũ Tú Quỳnh là thành viên, được hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc). Một số công trình khác của Phạm Quỳnh Phương về chủ đề này bao gồm: “Phong trào của người đồng tính, song tính và chuyển giới: từ lý thuyết phong trào xã hội đến thực tiễn ở Việt Nam”, Tạp chí Văn hoá học, số 3, 2016;  Người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam: Tổng luận các nghiên cứu (Nxb Khoa học Xã hội, 2013); Khát vọng được là chính mình: Người chuyển giới ở Việt Nam (Nxb Thế giới, 2013;) “Gia đình cùng giới: hiện thực xã hội và một số vấn đề lý luận cơ bản” (Tạp chí Gia đình và Giới, số 4, 2017); “Transgender Persons in Contemporary Vietnam: Marginalisation and Livelihood Challenges” (Vietnamese Social Sciences, No 1, 2017) (Bài viết này sau được chọn để in trong tạp chí Nghiên cứu Việt Nam của Nga, The Russian journal of Vietnamese studies. Series 2. 2019, № 1, pp. 47-59); “Phong trào LGBT Việt Nam từ góc nhìn kiến tạo bản sắc” (Tạp chí Văn hoá dân giansố 6/2017), “Có phải bởi vì tôi là LGBT?” Phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới tại Việt Nam (đồng tác giả, Nxb. Hồng Đức, 2016).vv

       Có thể nói, mặc dù mới thành lập, Phòng Nghiên cứu Văn hoá đương đại đã có những thành tựu trong nghiên cứu, góp phần vào việc mở rộng khái niệm về văn hoá và thực hành văn hoá, gợi mở các hướng nghiên cứu đương đại theo cách tiếp cận ngày càng cập nhật hơn với xu hướng nghiên cứu văn hoá trên thế giới. Đó cũng là nằm trong xu hướng mở rộng cách tiếp cận nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Văn hoá hiện nay.



Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Văn Hóa
Giấy phép số 499/GP-BC ngày 15/11/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin lên mạng Internet
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm
Địa chỉ: 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Việt Nam. Email: vienvh@gmail.com
Điện thoại: 043.9784868. Fax: 043.9725903