Giới thiệu Phòng Nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng

03/08/2019

I. Chức năng nhiệm vụ

       Theo Qui chế tổ chức và hoạt động của Viện Nghiên cứu Văn hoá, nhiệm vụ của Phòng Nghiên cứu Văn hoá tín ngưỡng là nghiên cứu tôn giáo tín ngưỡng của các tộc người ở Việt Nam từ góc nhìn văn hoá. Phòng nghiên cứu những vấn đề tôn giáo tín ngưỡng trong đời sống đương đại của các tộc người ở Việt Nam, gồm các thực hành tôn giáo tín ngưỡng truyền thống, sự du nhập, giao lưu và biến đổi tôn giáo tín ngưỡng, các vấn đề tôn giáo tín ngưỡng mới nảy sinh; tìm hiểu vai trò, chức năng của tôn giáo tín ngưỡng đối với thực hành văn hoá của các tộc người trong bối cảnh mới.

 

       II. Lịch sử hình thành và phát triển

       Sự hình thành và phát triển của Phòng Nghiên cứu Văn hoá tín ngưỡng gắn liền với sự ra đời của Viện Văn hoá dân gian (1983), với tên gọi ban đầu là Phòng Nghiên cứu Lễ hội. PGS. Lê Trung Vũ là Trưởng phòng từ năm 1983-1991. Sau này, TS. Lê Văn Kỳ được phân công phụ trách, giữ các chức vụ Phó Trưởng phòng (1990-1996) rồi Trưởng phòng (1996-2008). Cán bộ của Phòng ở giai đoạn mới thành lập gồm: Lê Văn Kỳ (nghỉ hưu năm 2008), Lê Hồng Lý, Nguyễn Quang Lê, Nguyễn Hương Liên (nghỉ hưu năm 2002). Phạm Quỳnh Phương về công tác tại phòng từ năm 1995 (được điều động đến từ Phòng Lý luận – Nghiên cứu tổng hợp lúc đó giải thể).

       Năm 2004, Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian đổi tên thành Viện Nghiên cứu Văn hoá. Để phù hợp với tình hình mới, trong Quyết định số 806/QĐ-KHXH ngày 10/5/2005 của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng đã được đổi tên thành Phòng Nghiên cứu tín ngưỡng lễ hội. Ở giai đoạn này, TS. Lê Văn Kỳ tiếp tục phụ trách Phòng cho đến khi nhận Quyết định nghỉ hưu (2008). Sau đó, lần lượt nhiệm vụ phụ trách phòng được giao cho Nguyễn Thị Phương Châm (2008) và Phạm Quỳnh Phương (Trưởng phòng, bổ nhiệm năm 2009).

       Từ khi Viện đổi tên sang Viện Nghiên cứu Văn hoá, nhân sự trong phòng cũng có nhiều thay đổi. Nguyễn Thị Phương Châm phụ trách Phòng một thời gian ngắn rồi chuyển công tác về Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế. Năm 2005, Lê Hồng Lý được điều động sang phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển, và Nguyễn Quang Lê sang phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá văn minh. Năm 2009, Phòng tuyển dụng thêm Lê Thị Phượng. Năm 2014, Phạm Quỳnh Phương được điều động sang phụ trách phòng mới thành lập là Phòng Nghiên cứu Văn hoá đương đại. Lê Thị Phượng cũng được chuyển công tác về phòng Văn hoá đương đại. Ba cán bộ của Phòng Nghiên cứu Văn hoá các tộc người thiểu số khi ấy là Nguyễn Thị Yên, Phan Thị Hoa Lý và Văn Thị Bích Thảo được phân công về phòng. Một năm sau, Văn Thị Bích Thảo xin nghỉ công tác. Trần Thị Thu Hà được điều từ Phòng Thông tin – Thư viện về Phòng Nghiên cứu tín ngưỡng, lễ hội. Từ năm 2014, Nguyễn Thị Yên được bổ nhiệm Trưởng phòng.

       Năm 2017, trên cơ sở Quyết định số 2127/QĐ-KHXH, Phòng có tên gọi mới là Phòng Nghiên cứu Văn hoá tín ngưỡng. PGS.TS Nguyễn Thị Yên tiếp tục là Trưởng phòng cho tới khi nhận Quyết định nghỉ quản lý (2018). Sau đó, TS. Đoàn Thị Tuyến là Phó Trưởng phòng phụ trách. Đội ngũ cán bộ của Phòng giai đoạn này tiếp tục có một số thay đổi. Trần Thị Thu Hà chuyển sang Phòng nghiên cứu Di sản Văn hoá truyền thống. Các cán bộ của Phòng Nghiên cứu Văn hoá các tộc người thiểu số là Chu Xuân Giao, Đoàn Thị Tuyến và A Tuấn chuyển đến. Như vậy, Phòng Nghiên cứu Văn hoá tín ngưỡng hiện nay đang có 5 cán bộ.

Ảnh: cán bộ Phòng Nghiên cứu Văn hoá tín ngưỡng (2019)

Tất cả các cán bộ nghiên cứu của Phòng hiện nay đều đã tốt nghiệp Tiến sĩ tại những cơ sở đào tạo có uy tín như: Viện Nghiên cứu văn hoá, Học viện Khoa học Xã hội (Việt Nam), Đại học Tổng hợp Washington (Hoa Kỳ) và Học viện Sokendai (Nhật Bản).

       III. Thành tựu trong nghiên cứu

       Trải qua lịch sử nhiều thập kỷ hình thành và phát triển, Phòng Nghiên cứu Văn hoá tín ngưỡng đã đạt được những thành tựu đáng kể, có đóng góp đối với khoa học chuyên ngành và thành tích chung của Viện Nghiên cứu Văn hoá.

       Lễ hội là một lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm, được xác định rõ ngay từ những ngày đầu mới thành lập Phòng. Các cán bộ của Phòng ở giai đoạn đầu đã dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực nghiên cứu này, cùng nhau xác định hướng tiếp cận, xuống địa phương quan sát, ghi chép tỉ mỉ nội dung của các lễ hội đang diễn ra.

       Một trong những thành tựu nghiên cứu đáng chú ý của Phòng ở giai đoạn này đó là đã góp phần làm rõ quan điểm: lễ hội là một sinh hoạt văn hoá dân gian nguyên hợp. Đây là một đóng góp có ý nghĩa về mặt lý luận, giúp nhận diện và định hướng cho nghiên cứu lễ hội ở Việt Nam thời kỳ bấy giờ.

       Các cán bộ của Phòng, trong nhiều bài viết/công trình, đã nêu ra cách phân loại, bản chất, ý nghĩa và vai trò của lễ hội trong đời sống. Có thể kể đến các bài viết/công trình của PGS. Lê Trung Vũ: “Lễ hội trong đời sống nhân dân xưa và nay” in trong cuốn Văn hoá dân gian những lĩnh vực nghiên cứu (Nxb. Khoa học xã hội, 1989), Lễ hội cổ truyền (chủ biên, Nxb. Khoa học xã hội, 1992) và Tết cổ truyền của người Việt (chủ biên, Nxb. Văn hoá thông tin, 1996); bài viết của TS. Lê Văn Kỳ: “Lễ hội nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ” in trong Thông báo văn nghệ dân gian, số 1, (1993), hay của PGS.TS. Nguyễn Quang Lê: “Một số suy nghĩ về nguồn gốc và bản chất của lễ hội cổ truyền dân tộc” (Tạp chí Văn hoá dân gian, số 2, 1992)..vv

       Bên cạnh đó, các cán bộ của Phòng còn tiến hành khảo tả lễ hội ở những địa điểm và thời gian xác định, làm nổi rõ giá trị của lễ hội trong đời sống. Một số bài viết/công trình phản ánh hướng nghiên cứu này là: “Hội vật võ Liễu Đôi” của Lê Văn Kỳ (Tạp chí Văn hoá dân gian, số 1, 1984), “Hội thả chim ở đồng bằng Bắc Bộ (Tạp chí Văn hoá dân gian, số 4, 1983), và  “Một hội lễ cổ truyền trên đất Phù Ninh cũ” (Tạp chí Văn hoá dân gian, số 2, 1985) của Nguyễn Thị Hương Liên, “Hội làng Đăm” của Lê Hồng Lý (Tạp chí Văn hoá dân gian, số 4, 1994), “Lễ hội Đức Thánh Trần” của Nguyễn Quang Lê (Tạp chí Xưa và Nay, số 7/10, 1994), “Lễ hội Phủ Giầy” của Phạm Quỳnh Phương, in trong Khảo sát thực trạng văn hoá lễ hội truyền thống của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ (Nxb. Khoa học xã hội, 2001).…vv. Những công trình khảo tả về lễ hội như vậy sau này đã trở thành tư liệu quí bổ sung cho kho tàng lễ hội cổ truyền ở Việt Nam.

       Trong quá trình nghiên cứu, các cán bộ của Phòng tìm hiểu các thành tố liên quan như tín ngưỡng, phong tục tập quán, trò chơi dân gian, di tích và điêu khắc... trong đó sinh hoạt tín ngưỡng được đặc biệt chú ý như là một yếu tố nổi trội, “có lễ thì mới có hội”. Nhiều bài viết/công trình đã đề cập đến thực trạng, ý nghĩa của các thành tố cụ thể và xem xét chúng trong mối quan hệ với lễ hội như:, “Tìm hiểu một số ý nghĩa về tục thờ thành hoàng không có sắc phong” của Lê Văn Kỳ (Tạp chí Văn hoá dân gian, số 4, 1993), “Thử tìm hiểu mối quan hệ giữa lễ hội với các tín ngưỡng dân gian” của Nguyễn Quang Lê (Tạp chí Văn hoá dân gian, số 1, 1994), “Về tín ngưỡng lễ hội và sự phát triển hiện nay” của Lê Hồng Lý (Tạp chí Văn hoá nghệ thuậtsố 1, 1997)…vv

       Phạm Quỳnh Phương là thành viên có nhiều đóng góp cho mảng nghiên cứu tín ngưỡng của Phòng, như một số bài viết: “Tục thờ Liễu Hạnh trong hệ thống thờ thần của người Việt (qua một số di tích ở Hà Nội)” (Tạp chí Văn họcsố 5, 1992), “Truyện Phạm Nhan và đôi điều lý giải”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1/1999, “Nhìn lại một thế kỷ nghiên cứu tín ngưỡng dân gian”, Tap chí Văn hoá dân gian, số 2/2001; “Những không gian thiêng: một nghiên cứu thực địa về các di tích thờ Trần Hưng Đạo ở Việt Nam”, trong sách Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học (Nxb Đại học Quốc gia tp Hồ Chí Minh, 2010)…vv; hay một số chương sách viết chuyên sâu về các tín ngưỡng: “Thờ Mẫu Liễu ở Phủ Giầy” (chương I, tr.101-149) và “Thờ Mẫu ở Lạng Sơn” (tr.176-195), in trong Đạo Mẫu ở Việt Nam (Nxb. Văn hoá thông tin, H.,1996); “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên” (chương II, tr.37-90) và “Tín ngưỡng Đức Thánh Trần” (chương V, tr.211-276), in trong sách Tín ngưỡng và Văn hóa tín ngưỡng ở Việt nam (Nxb. Khoa học xã hội, 2001).

       Từ năm 2004, với tên gọi mới là Phòng Nghiên cứu tín ngưỡng lễ hội, hướng nghiên cứu của Phòng được mở rộng. Các đề tài nghiên cứu đa dạng hơn và các thực hành tôn giáo tín ngưỡng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Việc nghiên cứu lúc này cũng không dừng lại ở mô tả hiện tượng để tìm ra giá trị hay chức năng của tín ngưỡng mà tập trung phân tích, lý giải vì sao/bằng cách nào các sinh hoạt đó lại có thể tồn tại trong đời sống đương đại. Sự chuyển đổi hướng nghiên cứu cũng cập nhật với xu hướng nghiên cứu trên thế giới. Tiêu biểu cho xu hướng này có các bài viết/công trình được xuất bản quốc tế như bài viết của GS.TS Lê Hồng Lý: “Praying for profit: The cult of the Lady of the Treasury (Bà Chúa Kho) (Journal of Southeast Asian Studies, Vol.38, No. 3, 2007); các ấn phẩm quốc tế của PGS.TS Phạm Quỳnh Phương: Hero and Deity: Tran Hung Dao and the Resurgence of Popular Religion in Vietnam (Mekong Press, 2009), “Empowerment and Innovation among Saint Tran’s female mediums” in trong cuốn Modernity and Re-Enchantment: Religion in Post-Revolutionary Vietnam Religion in Vietnam, (Singapore: ISEAS, 2007), “Tran Hung Dao and Mother Goddess religion”, trong sách Possessed by Spirits: Mediumship in Contemporary Vietnamese Communities. (New York: Cornell University, 2006), “Mothering and Fathering the Vietnamese: Religion, Gender and National Identity” (Journal of Vietnamese Studies, University of California, vol 4, Issue 1, 2009: 49-83)...vv

       Kế thừa và phát huy thành tựu/hướng nghiên cứu của các thế hệ đi trước, các cán bộ của Phòng Nghiên cứu Văn hoá tín ngưỡng hiện nay đang tích cực triển khai, cụ thể hoá những nhiệm vụ được giao. Trên nền tảng kinh nghiệm nghiên cứu về các dân tộc thiểu số, các các bộ của Phòng đã góp phần mở rộng phạm vi và đối tượng nghiên cứu, không chỉ tìm hiểu các thực hành tôn giáo tín ngưỡng trong cộng đồng người Việt ở vùng đồng bằng, trung du mà còn quan tâm tới thực hành tôn giáo tín ngưỡng của các nhóm thiểu số khác như Tày, Thái, Hoa, H’mông, Dao, Khơ Mú và Xơ Teng (Xơ Đăng).

       Các cán bộ của Phòng tiếp tục thực hiện những nghiên cứu cơ bản, tập trung tìm hiểu và làm sáng tỏ bản chất, cấu trúc, qui luật vận hành của thực hành tôn giáo tín ngưỡng. Tiêu biểu cho hướng nghiên cứu này có các bài viết giúp làm sáng tỏ hệ thống tư liệu, di tích, sự tích, nhân vật tôn giáo hay quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá tộc người thông qua thực hành tôn giáo cụ thể. Đó là các bài viết của PGS.TS Nguyễn Thị Yên như “Góp phần tìm hiểu thêm về mẫu Liễu ở Phủ Dày” (Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 1, 2014), và “Mẫu thượng ngàn: Sự tham gia của tín ngưỡng các tộc người thiểu số vào điện thần Tứ phủ” (Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1, 2014). TS. Chu Xuân Giao cũng quan tâm đến hướng nghiên cứu về Mẫu Liễu và tín ngưỡng Tam phủ - Tứ phủ, với một số bài viết như:  “圣母溯源:给予柳杏公主最早的并完好保存于南定𠫆府(Phủ Giầy)的一道1683年敕封之发现及其解” [Căn cứ lịch sử của Thánh Mẫu : Phát hiện và luận giải đạo sắc phong cổ nhất mang niên đại 1683 cho Liễu Hạnh công chúa hiện còn nguyên vật tại Phủ Giầy – Nam Định], in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế: “中越关系研究:历史、现状与未来国际研讨会论文集 [Nghiên cứu quan hệ Trung Quốc – Việt Nam : Lịch sử, Hiện trạng và Tương lai] tập 1 (Đại Học Trung Sơn, Trung Quốc xuất bản, 2018), hay Hệ thống Tam phủ - Tứ phủ trong thực hành tín ngưỡng của người Việt (Kinh) và một số tộc người thiểu số miền núi phía Bắc (Đề tài cấp Bộ 2017-2018). Một số hướng nghiên cứu tín ngưỡng khác cũng được các cán bộ trong phòng quan tâm như: “Pơ Jâu trong đời sống tôn giáo của người Xơ Teng” của TS. A Tuấn (in trong Tạp chí Văn hóa dân gian, số 5, 2016); “Tục thờ Thiên Hậu ở làng Minh Hương và quá trình tiếp biến văn hóa” (Trường hợp xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên – Huế) của TS. Phan Thị Hoa Lý in trong Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo (số 7-8, 2016) …v.v.

       Ngoài ra, các cán bộ của Phòng còn tập trung nghiên cứu các thực hành tôn giáo tín ngưỡng trong đời sống xã hội đương đại, đặt trọng tâm vào các xu hướng biến đổi của thực hành này từ khi đất nước mở cửa và đổi mới. Phản ánh hướng nghiên cứu này có các bài viết/đề tài về trường hợp của các tộc người thiểu số đang sinh sống ở các vùng miền núi và cao nguyên. Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Thị Yên có một số bài viết: “Sự biến đổi của người thầy cúng ở người Tày và người Nùng ở Việt Nam” (Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 2, 2014), ”Tôn giáo tín ngưỡng của các tộc người thiểu số Tây Bắc trong cuộc sống đương đại” (Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2, 2015), “Bàn về vai trò đồng thầy trong việc chấn hưng văn hóa thờ mẫu” (Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3, 2016) và là chủ nhiệm của hai đề tài đề tài nghiên cứu: Thực hành tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt từ sau vinh danh (đề tài cấp Bộ 2019-2020), và Biến đổi đời sống tôn giáo tín ngưỡng của một số tộc người ở nông thôn miền núi Tây Bắc, Việt Nam hiện nay (đề tài do Quĩ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia- NAFOSTED tài trợ 2014-2015). TS. Đoàn Thị Tuyến có nghiên cứu: “Sự hồi sinh của nghi lễ Then và vấn đề bảo tồn văn hóa tộc người trong xã hội Việt Nam hiện đại” in trong cuốn Di sản văn hóa trong xã hội Việt Nam đương đại (Lê Hồng Lý và Nguyễn Thị Phương Châm chủ biên. Nxb. Tri thức, 2014), nghiên cứu về quá trình phục hồi của Then Tày – một thực hành tín ngưỡng vốn bị coi là mê tín dị đoan và bị cấm. TS. Phan Thị Hoa Lý xuất bản cuốn Tín ngưỡng thờ Thiên Hậu ở Việt Nam (Nxb. Hội nhà văn, 2018), phân tích về sự giao lưu tiếp biến văn hoá giữa người Hoa với các tộc người sở tại ở Hưng Yên (phố Hiến), Nam Định, Huế, Hội An, tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ. TS. A Tuấn có công trình Nghi lễ cộng đồng của người Xơ Teng ở huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum (Nxb. Văn hoá dân tộc, 2018), xem xét các xu hướng biến đổi ở của các nghi lễ đang tồn tại trong đời sống người Xơ Teng.

       Tóm lại, ở mỗi một giai đoạn phát triển, các thế hệ cán bộ của Phòng luôn bán sát nhiệm vụ được giao, cụ thể hoá bằng các đề tài/công trình và ngày càng mở rộng phạm vi, đối tượng và hướng nghiên cứu nhằm cập nhật hơn với sự phát triển chung của khoa học chuyên ngành. Nhiều bài viết/công trình/đề tài của các cán bộ trong Phòng là tư liệu tham khảo có giá trị, góp phần làm sâu sắc thêm cho góc nhìn văn hoá về lễ hội và sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng trên thực tế.



Xem tin phát hành ngày:

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Văn Hóa
Giấy phép số 499/GP-BC ngày 15/11/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin lên mạng Internet
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm
Địa chỉ: 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Việt Nam. Email: vienvh@gmail.com
Điện thoại: 043.9784868. Fax: 043.9725903