I. Chức năng, nhiệm vụ
Phòng Nghiên cứu Di sản Văn hóa truyền thống có nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản về di sản văn hóa truyền thống Việt Nam, bao gồm di sản thuộc các lĩnh vực tri thức dân gian, thiết chế (làng, gia đình, dòng họ…), sinh kế, tín ngưỡng, ngôn ngữ, nghệ thuật. Một mặt, Phòng nghiên cứu những vấn đề có tính lý luận về di sản văn hóa Việt Nam. Mặt khác, Phòng có nhiệm vụ đóng góp luận cứ khoa học cho việc xây dựng các dự án điều tra, sưu tầm, bảo quản và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc Việt Nam; Góp ý và phản biện các chương trình dự án công nhận hoặc đề nghị công nhận, vinh danh di sản văn hóa truyền thống; các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội có liên quan đến vấn đề bảo tồn di sản văn hóa truyền thống.
II. Lịch sử hình thành
Phòng Nghiên cứu Di sản Văn hóa truyền thống là một phòng mới được thành lập năm 2018. Hiện nay Phòng có 6 cán bộ nghiên cứu: PGS.TS Kiều Trung Sơn (Trưởng phòng), PGS.TS Nguyễn Quang Lê, ThS. Nguyễn Thị Tô Hoài, TS. Nguyễn Giáo, ThS.Trần Thị Thu Hà và CN.Nguyễn Hải Hà.
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu của phòng được kế thừa từ hai đơn vị nghiên cứu đã giải thể trước đó là Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa văn minh và Phòng Nghiên cứu Văn hóa thể chế. Trung tâm Nghiên cứu văn hóa văn minh được thành lập từ năm 2005 và giải thể năm 2013, bao gồm 3 cán bộ nghiên cứu: Nguyễn Quang Lê (Giám đốc), Nguyễn Thị Huệ và Nguyễn Thị Tô Hoài. Phòng Nghiên cứu Văn hóa thể chế thành lập năm 2013, giải thể năm 2018, bao gồm 4 cán bộ nghiên cứu: Kiều Trung Sơn (Trưởng phòng), Nguyễn Quang Lê, Nguyễn Thị Tô Hoài và Nguyễn Giáo (từ Phòng Tạp chí chuyển sang năm 2014). Trần Thị Thu Hà và Nguyễn Hải Hà được bổ sung vào Phòng từ cuối năm 2018.
Các cán bộ nghiên cứu trong phòng được đào tạo từ nhiều chuyên ngành (âm nhạc, ngữ văn, lịch sử, nhân học), và có các mối quan tâm nghiên cứu khác nhau thuộc lĩnh vực di sản truyền thống. Vì vậy, dù mới thành lập, Phòng Nghiên cứu Di sản Văn hóa truyền thống đã có những thành quả nhiên cứu đáng ghi nhận.
III. Thành tựu nghiên cứu
Di sản văn hóa truyền thống được hiểu khá rộng bao gồm nhiều loại hình di sản, như văn hóa gia đình truyền thống, nghệ thuật truyền thống (nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn), ngữ văn dân gian, tín ngưỡng phong tục, văn hóa làng, văn hóa ẩm thực và các loại hình văn hóa truyền thống khác.
Tổng hợp những kết quả nghiên cứu từ khi hình thành Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa văn minh và Phòng Nghiên cứu Văn hóa thể chế, cho đến nay, các cán bộ Phòng Nghiên cứu Di sản Văn hóa truyền thống có 9 đầu sách nghiên cứu được xuất bản, hơn 100 bài viết khoa học được công bố trên các diễn đàn, các tạp chí khoa học chuyên ngành, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Các công trình nghiên cứu đều có ít nhiều liên quan đến lĩnh vực di sản vật thể và phi vật thể, bao gồm lễ hội, văn hóa làng, tín ngưỡng phong tục, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực... dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Có thể kể tên một số công trình tiêu biểu của các cán bộ trong phòng về một số loại hình di sản truyền thống:
Về lễ hội truyền thống, tiêu biểu có công trình: Nhận diện bản sắc văn hoá qua lễ hội truyền thống người Việt (Nguyễn Quang Lê, Nxb. KHXH, 2011, 2014; Nxb. Mỹ Thuật, 2017);
Về văn hóa làng, có một số công trình và bài viết như Văn hoá dân gian làng nghề Kiêu Kỵ của Nguyễn Quang Lê (Nxb Văn hoá Thông tin, 2011); “Quan hệ làng xã trong bối cảnh thương mại hóa ở nông thôn Bắc Bộ (trường hợp xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội)” của Nguyễn Giáo (Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3, 2012).
Về văn hóa ẩm thực, có công trình nghiên cứu: Văn hoá ẩm thực trong lễ hội truyền thống Việt Nam của Nguyễn Quang Lê (Nxb Văn hoá Thông tin, 2003; Nxb. Văn hoá dân tộc, 2012).
Về tín ngưỡng phong tục, có một số bài nghiên cứu như bài viết “Hội chùa Keo và tục lấy lửa nấu cơm thi” của Nguyễn Thị Tô Hoài (Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 4, 2004); “Tục biếu tặng quà và quan hệ xã hội ở một làng Bắc Việt Nam” của Nguyễn Hải Hà (Tạp chí Văn hóa dân gian, số 5, 2015).
Về văn hóa gia đình truyền thống, có một số bài nghiên cứu như: “Ứng xử của người vợ đối với người chồng ở một làng buôn: Tín niệm và sự tìm kiếm điểm cân bằng giới” của Nguyễn Giáo (Tạp chí Văn hóa dân gian, Số 5, tr. 34 - 40, 2017), «Quan hệ giới nhìn từ mối quan hệ ứng xử trong gia đình ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội» của Trần Thị Thu Hà (Hội nghị Thông báo văn hóa, 2015).
Về nghệ thuật biểu diễn truyền thống, có khá nhiều công trình của PGS.TS Kiều Trung Sơn, tiêu biểu là ba cuốn sách Cồng chiêng Mường (Nxb Văn hóa – Thông tin & Viện Văn hóa, 2011); Nghệ thuật diễn xướng Mo Mường (chủ biên, Nxb Thế giới, 2016); Sử thi Ê Đê hiện nay: Nghệ nhân và việc trao truyền nghệ thuật diễn xướng (chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, 2018). Bên cạnh đó Kiều Trung Sơn còn có một số bài viết khác như: “Đi tìm trống của người Mông” (Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 345, 3/2013); “Sinh hoạt âm nhạc của tộc người Lào ở Tây Bắc Việt Nam” (Tạp chí Nghiên cứu Âm nhạc, số 38, 2013); “Đàn bầu và vấn đề chủ quyền” (Tạp chí Nghiên cứu âm nhạc, số 49 (tháng 9-12/2016).
Là một phòng mới thành lập, Phòng Nghiên cứu Di sản Văn hóa truyền thống đang tiếp tục phát huy các thành tựu đã đạt được, mở rộng thêm phạm vi nghiên cứu tới một số loại hình di sản văn hóa truyền thống chưa được chú ý, khẳng định vai trò và vị trí, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của Viện Nghiên cứu Văn hóa.