Tìm kiếm

Vỉa hè Hà Nội - không gian đa chiều tương tác

01/01/2022

Hoàng Cầm ; Nguyễn Thị Phương Châm ;

Viện Nghiên cứu Văn hoá ;

2021

235

Nxb Khoa học xã hội

Chuyên khảo tập trung tìm hiểu, phân tích, đánh giá về cuộc sống thường nhật đã và đang diễn ra trên các phương diện sinh kế, xã hội, văn hóa và biểu trưng của vỉa hè Hà Nội. Trên cơ sở đó chỉ rõ những đặc trưng của vỉa hè Hà Nội, cung cấp những luận cữ khoa học cho việc nhìn nhận đa chiều hơn về văn hóa vỉa hè Hà Nội.

LỜI TỰA

Khi ngồi ở bất cứ góc phố hay không gian vỉa hè nào, chẳng hạn như quán cà phê có cái tên khá mĩ miều mà chúng tôi gọi là Hoa Hồng nằm trên một con phố đẹp ở phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội trong những năm gần đây, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng cảm nhận được sự quan trọng trên nhiều mặt của không gian vỉa hè Hà Nội đối với nhiều nhóm người khác nhau thông qua việc quan sát và trải nghiệm sự bận rộn của chúng. Vào một ngày trời đẹp cuối thu năm 2019, chúng tôi, như thường lệ, có mặt tại quán Hoa Hồng để uống cà phê sau bữa trưa. Mặc dù quán có không gian rộng, với chiều ngang chừng khoảng 5 mét, bên trong được bố trí đẹp và thuận tiện, song nhiều khách hàng quen, phần lớn là cán bộ, công chức của các cơ quan trong phường Ngô Thì Nhậm, chủ yếu thích ngồi nhâm nhi, trò chuyện ở những bàn được kê chiếm hơn nửa phần vỉa hè trước cửa quán. Không chỉ được thưởng thức cà phê ở không gian ngoài trời rợp bóng mát của hàng cây cổ thụ ven đường, những thực khách của quán còn có thể tiếp cận các dịch vụ cần thiết khác như đánh giầy từ một người đàn ông cao tuổi luôn có một chỗ riêng ở góc quan từ nhiều năm nay, mua cân cam, nải chuối, gói cốm hay bó hoa từ các gánh hàng của các chị bán hàng rong từ nhiều vùng quê khác nhau lên đô thị kiếm kế sinh nhai. Không gian vỉa hè trước cửa quán cà phê này cũng đồng thời là nơi diễn ra các sinh hoạt thường ngày của gia đình người chủ quán mỗi khi vãng khách, như đốt vàng mã vào ngày rằm, mồng một hằng tháng, là nơi ngồi chải lông cho chú cún cưng hay là nơi ông bà chủ gặp gỡ bạn bè.

 

Những hoạt động đa dạng và bận rộn thường ngày của không gian vỉa hè trước quán Hoa Hồng và cả dãy phố với các hàng quán tương tự có những lúc bị gián đoạn và xáo trộn bởi sự xuất hiện của lực lượng chức năng giữ trật tự vỉa hè. Khi nghe thấy lời nhắc nhở các hàng quán trả lại vỉa hè cho người đi bộ phát ra từ chiếc loa di động của cơ quan công quyền ở phố bên, những người bán hàng rong tất tả, nhớn nhác, vội gánh hàng lên vai rôi di chuyển đi chỗ khác cho dù họ đang có khách mua hàng. Những mặt hàng có thể nuôi sống cả một gia đình trên đôi quang gánh nhỏ của người bán rong có thể bị tịch thu nếu họ không kịp di chuyển. Tuy nhiên, điều thú vị thường thấy là, chủ quán Hoa Hồng cũng như một số hàng quán bên cạnh có vẻ không quá quan tâm, lo lắng về sự hiện diện của các đoàn kiểm tra, giám sát này. Các khách hàng quen cũng không tỏ ra mấy ngạc nhiên khi những bộ bàn ghế nhựa bày chiếm gần hết diện tích vỉa hè trước quán, nơi họ đang ngồi, vẫn ở nguyên vị trí mà ít bị các lực lượng chức năng nhắc nhở. Bác thợ đánh giày có chỗ ngồi quen thuộc ở góc vỉa hè sát quán, giống như chủ quán cà phê Hoa Hồng, cũng không mảy may quan tâm. Cuộc sống trên vỉa hè trước quán Hoa Hồng và cả dãy phố sẽ trở lại bình thường như chúng vốn diễn ra ngay khi các đoàn kiểm tra trật tự giao thông, vỉa hè khuất bóng.

 

Cuộc sống thường ngày ở không gian vỉa hè như vừa mô tả cho thấy rõ rằng, như ở nhiều thành phố khác tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, vỉa hè là một trong những không gian công (public space) được sử dụng cho nhiều mục đích cùng một lúc và có vai trò quan trọng xét trên nhiều phương diện như sinh kế, thực hành dân chủ, mạng lưới xã hội, sinh hoạt văn hóa,... đối với nhiều nhóm người trong xã hội. Vira hè đồng thời cũng là nơi dành cho người đi bộ. Vỉa hè nói chung và không gian vỉa hè Hà Nội nói riêng là không gian nuôi dưỡng cộng đồng, là nơi các nhóm xã hội khác nhau tương tác, thảo luận, chia sẻ, mua bán, trao đổi, ăn uống... Đó cũng là nơi nhiều nhóm người trong xã hội, đặc biệt là những nhóm yếu thế, có thể tìm kiếm kế sinh nhai. Các hoạt động diễn ra trên không gian vỉa hè, như một số nghiên cứu gần đây chỉ ra, đà góp phần nuôi dưỡng và làm giàu ở cả khía cạnh vật chất và tinh thần không chỉ cho người gốc Hà Nội mà còn cho nhiều nhóm cư dân khác, từ sinh kế đến những phong tục tập quán, tín ngường, bản sắc văn hóa. Các hoạt dộng này chính là những yếu tố tạo nên đặc trưng của đời sống văn hóa - xà hội Hà Nội (Rolf và các cộng sự 2007, Kim 2015, Koh 2007, Turner 2016).

 

Cách tiếp cận “hiện đại hóa” (modernist approach) được sử dụng ở nhiều quốc gia, trong đó, chính quyền các cấp coi các hoạt động thường ngày diễn ra ở những vỉa hè, góc phố (giống như đang diễn ra ở vỉa hè của phường Ngô Thì Nhậm như vừa mô tả) là làm mất trật tự và mĩ quan thành phố, cản trở giao thông và lớn hơn nữa là làm cho Hà Nội trở thành thành phố “nhếch nhác”, “không văn minh”, “kém hiện đại” và không mang tầm quốc tế. Chính vì vậy, từ khoảng đâu những năm 2000 đến nay, chính quyền Hà Nội, giống như chính quyền của nhiều thành phố khác trên cả nước, đã triển khai hàng loạt các chưong trình và biện pháp nhằm “làm sạch” và sắp xếp lại trật tự trên vỉa hè, với các tên gọi khác nhau từ “Gọn nhà, sạch phố, đẹp thủ đô” cuối những năm 1980 (Koh 2007) đến “Giành lại vỉa hè cho người đi bộ” ở thời điểm hiện tại. Để đưa chính sách này vào thực tiễn, bên cạnh các khẩu hiệu và chưong trình tuyên truyền được triển khai rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cảnh sát khu vực, trật tự phường, dân phòng và thanh tra giao thông cũng thường xuyên tiến hành các đợt tuần tra, giám sát các hoạt động diễn ra trên vỉa hè lòng đường và các không gian công cộng khác.

 

Mặc dù vậy, “cuộc chiến” sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường được tiến hành những năm qua không đạt dược những kết quà như kỳ vọng. Giống như chiến dịch do nguyên Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh Đoàn Ngọc Hải trực tiếp chỉ đạo thực hiện và được truyền thông phản ánh rầm rộ vào năm 2019, việc “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” ở Hà Nội luôn gặp phải những thách thức và phản kháng ở nhiều dạng thức khác nhau, từ trực tiếp đến gián tiếp, từ ẩn đến hiện, giữa người dân và các cơ quan công quyền. “Trật tự” hè phố chỉ được diễn ra khi có sự có mặt của các đoàn thanh tra, giám sát. Sự bận rộn của các con đường, góc phố với đa dạng các hoạt động của nhiều nhóm người khác nhau lại trở về như cũ mỗi khi lực lượng chức năng rời đi. Cách tiếp cận được ví như là “cuộc chiến” của chính quyền nhằm sắp xếp lại trật tự vỉa hè như đã và đang được triển khai, nói cách khác, như truyền thông đã chỉ ra hàng thập kỷ nay, chỉ đạt được kết quả như “ném đá ao bèo”.

 

Tuy chưa bao giờ đạt được kết quả như mong muốn của các cấp chính quyền, các chiến dịch sắp xếp lại trật tự hè phố của Hà Nội nói riêng và ở các thành phố lớn khác nói chung đã tạo ra những thách thức không nhỏ cho nhiều người, đặc biệt là các nhóm yếu thế như người bán hàng rong mà chúng tôi hay gặp ở không gian vỉa hè trước quán Hoa Hồng. Thêm vào đó cách tiếp cận cứng nhắc nhầm xóa bỏ hoàn toàn những trật tự và dàn xếp không gian truyền thống do người dân lập ra để phục vụ các nhu cầu khác nhau của họ cũng bị xáo trộn rất lớn. Cách tiếp cận đi cùng với nó là sự thất bại của các chiên dịch sắp xếp lại trật tự vỉa hè của nhà nước đặt ra yêu cầu, cả ở khía cạnh lý luận và thực tiễn, về sự cần thiết phải có những cách hiểu, góc nhìn cũng như cách lý giải mới và kỹ càng hơn về những gì đã và đang diễn ra trên không gian vỉa hè Hà Nội hiện nay (Kim 2017). Để có mô hình quản lý tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của dân chúng, thay vì coi vỉa hè là không gian vật lý đơn thuần chỉ để dành cho người đi bộ như đang làm, cần phải có những hiểu biết sâu, hệ thống và đa chiều hơn như Kim (2007: 8) đã gợi ra “vỉa hè thực sự đang được sử dụng thế nào và các quá trình xã hội và ý nghĩa của việc sử dụng đó”. Tri thức mới về sự năng động, nhiều lớp nghĩa và đa chức năng của đời sống văn hoá, xã hội, kinh tế và biểu tượng của vỉa hè đối với các nhóm người khác nhau không chỉ giúp bổ khuyết những gi chúng ta đang thực sự biết về vỉa hè ở khía cạnh lý luận mà còn là cơ sở khoa học quan trọng cho các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng thiết kế và quy hoạch đô thị mang tính văn hóa và nhân văn hơn.

 

Trong bối cảnh như vậy, nghiên cứu này tập trung tìm hiểu, phân tích, đánh giá về cuộc sống thường nhật đã và đang diễn ra trên các phương diện sinh kế, xã hội, văn hóa và biểu trưng của vỉa hè Hà Nội. Trên cơ sở đó chỉ rõ những đặc trưng của vỉa hè Hà Nội, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc nhìn nhận đa chiều hơn về văn hóa vỉa hè Hà Nội.

 

Chuyên khảo được cấu trúc thành 4 chương: Chương I tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến văn hóa vỉa hè va không gian vỉa hè, chúng tôi chỉ lựa chọn tổng quan các công trình nghiên cứu trong ngành khoa học xã hội, đặc biệt tập trung vào các công trình sử dụng hướng tiếp cận văn hóa học, nhân học, địa lý nhân văn đô thị và vỉa hè đô thị có ý nghĩa trong việc xây dựng cơ sở lý luận cho cả công trinh. Chúng tôi chỉ ra và phân tích kỹ lý thuyết tiếp cận về quyền tài sản (property rights) trong các ngành khoa hợc xã hội, quyền thống soát (hegemony) của nhà triết học người Ý Antonio Gramsci và vấn đề “dễ nắm bắt” (legibility) trong lý thuyết về nhà nước hiện đại của James C. Scott để sử dụng như khung lý thuyết cho việc tìm hiểu về đời sống văn hóa xã hội trên vỉa hè Hà Nội hiện nay. Chương 2 dành cho việc nhận diện về không gian vỉa hè ở Hà Nội hiện nay với sự tích hợp của nhiều chiều cạnh, thể hiện đời sống khác nhau của vỉa hè, đó là đời sống kinh tế, đời sống sinh hoạt, đời sống xã hội,... Trên nền cảnh bức tranh văn hóa vỉa hè đa sắc như vậy, Chương 3 tập trung tìm hiểu sâu những dàn xếp và thương thỏa hay chính là những chiều tương tác văn hóa - xã hội của các chủ thể văn hóa cùng các bên liên quan đang diễn ra ở không gian via hè hiện nay. Chương 4 dành cho những thảo luận về các vấn đề như vỉa he được sở hữu thế nào, vỉa hè được sắp xếp theo trật tự ra sao, quyền thống soát và những sự phản kháng được thể hiện thế nào ở vỉa hè, các động thái truyền thống biểu hiện ra sao trong các thực hành văn hóa ở vỉa hè hiện nay.

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Văn Hóa
Giấy phép số 499/GP-BC ngày 15/11/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin lên mạng Internet
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm
Địa chỉ: 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Việt Nam. Email: vienvh@gmail.com
Điện thoại: 043.9784868. Fax: 043.9725903