Sách trình bày các lý thuyết và khuynh hướng nghiên cứu; phác thảo phân vùng và một số vùng văn hóa ở Việt Nam; đặc trưng vùng trong một số hiện tượng văn hóa.
Nội dung cuốn sách chia thành ba phần chính.
Phần thứ nhất, nêu lên những nét lớn của khuynh hướng nghiên cứu không gian văn hóa, trong đó văn hóa vùng là trung tâm. Chương một tập trung trình bày các trường phái và lý thuyết lớn trên thế giới nghiên cứu vùng văn hóa. Chương hai trình bày việc nghiên cứu này ở Việt Nam, đi từ các quan niệm dân gian tới các ý niệm của các trí thức dân tộc về sắc thái văn hóa địa phương và cuối cùng là việc nghiên cứu của các nhà khoa học về văn hóa vùng.
Phần thứ hai, sau khi xác định quan niệm vùng văn hóa và các tiêu chí để phân vùng văn hóa, tác giả đưa ra phác thảo về phân vùng văn hóa ở Việt Nam, coi đây như là giả thuyết công tác lâu dài. Đó là việc phân chia Việt Nam thành 7 vùng văn hóa lớn, trong đó bao chứa nhiều tiểu vùng văn hóa ở cấp độ nhỏ hơn.
Phần thứ ba, sau khi bàn tới quan niệm “vùng thể loại văn hóa” (chương 13), thông qua một số hiện tượng văn hóa riêng lẻ (như nhà cửa, trang phục, ăn uống, thuyền bè, sử thi,...) mà ở đó chứa đựng những yếu tố khác biệt về vùng, coi đó như là sự bổ sung, cụ thể hóa tính vùng, tính địa phương trong văn hóa Việt Nam.
