Tìm kiếm

Văn hóa dân gian: những phương pháp nghiên cứu

18/10/2019

Nhiều tác giả ;

Viện Nghiên cứu Văn hoá ;

1990

311

Nxb Khoa học xã hội

Cuốn sách giới thiệu một số phương pháp nghiên cứu mang tính phổ quát chung cho cả bộ môn văn hóa dân gian và một số phương pháp chuyên biệt cho từng chuyên môn hẹp trong nghiên cứu văn hóa dân gian.

Lời nói đầu

 

Tình trạng chậm trễ trong việc đổi mới về lý luận và phương pháp nghiên cứu của một số bộ môn khoa học nhân văn ở nước ta là một thực tế đã được nhiều người nói tới. Đối với bộ môn văn hóa dân gian học (folkloristique) thì những vấn đề lý luận cơ bản và phương pháp nghiên cứu đặt ra lại càng cấp bách hơn. Bởi lẽ, ở một số nước trên thế giới và nước ta, so với các bộ môn khoa học xã hội khác, bộ môn nghiên cứu văn hóa dân gian (folkloristique) còn rất trẻ, thậm chí một số người còn nghi ngờ về sự tồn tại độc lập của nó. Ở khá nhiều nước trên thế giới, văn hóa dân gian học còn chưa có cơ sở đào tạo và nghiên cứu chuyên ngành. Do vậy, việc dần dần làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản và phương pháp nghiên cứu chuyên biệt của bộ môn khoa học này đã và đang là mối quan tâm, là nhiệm vụ hàng đầu của các nhà folklore học nước ta. Cuốn sách "Văn hóa dân gian - những phương pháp nghiên cứu" mà bạn đọc đang có trong tay là một kết quả cụ thể của hướng quan tâm chung nói trên.

 

Phương pháp nghiên cứu là những phương thức, cách thức khác nhau của người nghiên cứu sử dụng trong khi tiếp cận đối tượng nghiên cứu và xử lý thông tin về đối tượng, nhằm khám phá bản chất và quy luật vận động và phát triển của đối tượng trong môi trường không gian và thời gian nhất định. Như vậy, các phương pháp nghiên cứu chịu sự quy định trực tiếp của đối tượng nghiên cứu của mỗi bộ môn khoa học, mà với văn hóa dân gian, đó là những sáng tạo văn hóa nghệ thuật đân gian của các dân tộc. Nói như thế không có nghĩa là mỗi bộ môn khoa học phải có những phương pháp hoàn toàn riêng biệt của mình, những phương pháp nghiên cứu của từng bộ môn khoa học là hoàn toàn tách biệt với nhau. Có nhiều phương pháp nghiên cứu chung cho nhiều bộ môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, như phương pháp tiếp cận hệ thống, phương pháp cấu trúc, phương pháp loại hình... Bên cạnh đó cũng có những phương pháp tương đối chuyên biệt hơn, như phương pháp so sánh dị bản, phương pháp sưu tầm thực địa, phương pháp văn bản, phương pháp nghiên cứu theo típ và môtíp trong văn học dân gian... Dù là phương pháp mang tính phổ quát hay mang tính chuyên biệt thì chúng đều phải được người nghiên cứu sử dụng sao cho phù hợp với đối tượng nghiên cứu của mình và cuối cùng mang lại hiệu quả thiết thực trong nghiên cứu.

 

Theo hướng đóm trong cuốn sách này chúng tôi không chỉ lựa chọn giới thiệu một số phương pháp nghiên cứu mang tính phổ quát mà còn giới thiệu một số phương pháp mang tính chuyên biệt. Đối với những phương pháp nghiên cứu chung cho nhiều ngành khoa học như phương háp tổng hợp, phương pháp tiếp cận hệ thống, phương pháp so sánh đồng đại và lịch đại, phương pháp thống kê, phương pháp bản đồ... ở đây là từ góc độ văn hóa dân gian, các tác giả đã trình bày khả năng và cách thức áp dụng nó trong quá trình nghiên cứu. Mặt khác, văn hóa dân gian học với dân tộc học, văn hóa và nghệ thuật học có mối quan hệ gần gũi, ranh giới giữa chúng có những giao thoa, do vậy có những phương pháp nghiên cứu có thể áp dụng chung cho các bộ môn trên, như phương pháp thu thập tư liệu điền dã, phương pháp ngôn ngữ - dân tộc học, phương pháp so sánh đồng đại và lịch đại.

 

Văn hóa dân gian học (folkloristique) gồm nhiều bộ môn hẹp như ngữ văn dân gian, nghệ thuật biểu diễn dân gian, tạo hình dân gian... nên bên cạnh những phương pháp áp dụng chung cho văn hóa dân gian, còn có những phương pháp áp dụng cho từng chuyên môn hẹp như phương pháp loại hình học trong nghiên cứu văn học dân gian, phương pháp văn bản học, thống kê trong văn học dân gian, phương pháp nghiên cứu theo típ và môtíp trong nghiên cứu truyện cổ, phương pháp lập hồ sơ trong nghiên cứu lễ hội dân gian... Hướng tìm tòi và áp dụng những phương pháp phổ quát chung cho cả bộ môn văn hóa dân gian cũng như các phương pháp chuyên biệt cho từng chuyên môn hẹp đã và sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian.

 

Những sáng tạo văn hóa nghệ thuật dân gian các dân tộc là những thực thể mang tính nguyên hợp, thể hiện tính chưa chia tách rõ giữa các bộ phận cấu thành (ngữ văn, nghệ thuật, biểu diễn,  tạo hình...), giữa người sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, chưa thoát ly khỏi những sinh hoạt sản xuất và xã hội... nên tiếp cận với đối tượng này phải là tiếp cận hệ thống tổng thể, phải có phương pháp nghiên cứu tổng hợp, nghiên cứu liên ngành... Cuốn sách này cố gắng chú ý tới các phương pháp nghiên cứu phù hợp với đặc thù ấy của văn hóa dân gian.

 

Bất cứ một hiện tượng văn hóa nào cũng đều nảy sinh tồn tại và phát triển trong một thời gian và không gian nhất định. Quy luật này cũng thể hiện trong văn hóa dân gian và mang nhiều nét đặc thù. Các hiện tượng văn hóa dân gian thường rất phong phú các dị bản, nói cách khác những hiện tượng văn hóa dân gian tồn tại dưới hình thức các dị bản và chúng lan truyền chủ yếu bằng ghi nhớ và truyền miệng, tức con đường phi văn tự, không qua giáo dục nhà trường. Chúng biến đổi rất chậm chạp và mang tính "chống lớp", khó xác định niên đại một cách chính xác. Các xu hướng địa phương hóa, lịch sử hóa, hiện đại hóa... cũng chi phối những biến đổi của các hiện tượng văn hóa dân gian. Bởi thế cần phải có các phương pháp tiếp cận và xử lý thông tin trong nghiên cứu văn hóa dân gian sao cho thích hợp với những đặc thù này.

 

Các phương pháp loại hình học, thống kê, phương pháp nghiên cứu theo típ và môtíp, phương pháp bản đồ, phương pháp cấu trúc... là những công cụ hữu hiệu giúp người nghiên cứu nhận diện văn hóa dân gian trong một không gian đồng đại. Các phương pháp xác định niên đại, so sánh lịch sử... tiếp cận cận chiều phát triển lịch sử của văn hóa dân gian. Tuy nhiên, giữa không gian và thời gian, đồng đại và lịch đại không đứt đoạn, biệt lập, mà chúng có quan hệ tương tác nội tại đòi hỏi người nghiên cứu cần nhận diện, mà trong cuốn sách này bước đầu cũng đã đề cập qua các bài Phân biệt so sánh đồng đại và lịch đại trong các hiện tượng văn hóa hay Nghiên cứu cấu trúc và nghiên cứu lịch sử về truyện cổ tích thần kỳ.

 

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nhiều phương pháp nghiên cứu nảy sinh; khả năng áp dụng các phương pháp khoa học tự nhiên vào khoa học xã hội càng lớn... Điều đó mở ra những khả năng to lớn và cho việc áp dụng các phương pháp mới trong nghiên cứu văn hóa dân gian. Người ta nói nhiều tới các phương pháp định lượng, phương pháp thống kê, phương pháp điều tra xã hội học (ăngkét), phương pháp mô hình hóa... áp dụng các kỹ thuật hiện đại như máy tính, máy ghi hình vào việc ghi giữ và xử lý các thông tin văn hóa dân gian. Hy vọng rằng trong những ấn phẩm tiếp theo, chúng tôi sẽ đi sâu giới thiệu các phương pháp nghiên cứu này về văn hóa dân gian.

 

Bản thân các phương pháp nghiên cứu dù hữu hiệu tới đâu cũng không bao giờ là mục đích của quá trình nghiên cứu, mà nó chỉ là phương tiện giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận đối tượng và xử lý các thông tin về đối tượng ấy mà thôi. Mỗi phương pháp nghiên cứu có những mặt mạnh, đồng thời cũng có những mặt hạn chế của nó. Do vậy, trong quá trình nghiên cứu, tùy theo đối tượng và mục đích mà có thể lựa chọn phương pháp này hay phương pháp khác, hoặc có thể đồng thời sử dụng các phương pháp khác nhau để đạt được mục đích nghiên cứu. Chẳng hạn, phương pháp loại hình học giúp ta đi sâu phát hiện bản chất của các hiện tượng văn hóa vốn cực kỳ phong phú và đa dạng, nhưng lại có mặt hạn chế là nó tước bỏ đi những chi tiết, những dáng vẻ, màu sắc làm nên cái thực, cái đa diện của các hiện tượng văn hóa dân gian. Bởi vậy, bên cạnh áp dụng loại hình học, ta cũng nên chú ý tới phương pháp tiếp cận từ góc độ tâm lý - xã hội, phương pháp miêu tả, áp dụng lý thuyết đa  trị để nhận dạng các hiện tượng văn hóa...

 

Trong quá trình tổ chức bản thảo, chúng tôi nhận được nhiều bài của rộng rãi các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong và ngoài Viện Văn hóa dân gian. Đặc biệt giáo sư Kiều Thu Hoạch đã góp ý nâng cao thêm chất lượng bản thảo.

 

Chúng tôi cũng xin trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã góp ý, giúp đỡ xuất bản cuốn sách này.

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 1990

Ngô Đức Thịnh - Nguyễn Xuân Kính

 

 

MỤC LỤC

 

Phương pháp tổng hợp trong việc nghiên cứu folklore

Đinh Gia Khánh

 

Tiếp cận hệ thống trong nghiên cứu văn hóa dân gian

Ngô Đức Thịnh

 

Phân biệt so sánh đồng đại và lịch đại trong các hiện tượng dân tộc học

V. P. Alếchxâyép

 

Trò chuyện với người làm công tác sưu tầm folklore

Vũ Ngọc Khánh

 

Sử dụng bản đồ trong nghiên cứu folklore

Ngô Đức Thịnh

 

Một cách lập hồ sơ về đề tài lễ hội

Lê Trung Vũ

 

Phương pháp thống kê trong nghiên cứu văn học dân gian

Nguyễn Xuân Kính

 

Phương pháp hệ thống và việc nghiên cứu, giảng dạy ca dao

Phan Đăng Nhật

 

Phương pháp thẩm định tính chính xác của những tư liệu trong các sưu tập về tục ngữ, dân ca, ca dao

Nguyễn Xuân Kính & Phan Hồng Sơn

 

Phương pháp loại hình học trong khoa văn học dân gian

Lê Chí Quế

 

Nghiên cứu cấu trúc và nghiên cứu lịch sử về truyện cổ tích thần kỳ

V. Prốp

 

Về các bảng mục lục tra cứu típ và mô típ của truyện kể dân gian

Nguyễn Tấn Đắc

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Văn Hóa
Giấy phép số 499/GP-BC ngày 15/11/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin lên mạng Internet
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm
Địa chỉ: 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Việt Nam. Email: vienvh@gmail.com
Điện thoại: 043.9784868. Fax: 043.9725903