Tìm kiếm

Văn hóa dân gian: những lĩnh vực nghiên cứu

18/10/2019

Nhiều tác giả ;

Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian ;

1989

270

Nxb Khoa học xã hội

Sách này là tập hợp một số bài nghiên cứu viết về các lĩnh vực văn hóa dân gian, bao gồm các thành tố chủ yếu của văn hóa dân gian (như nghệ thuật ngữ văn dân gian, nghệ thuật biểu diễn dân gian, nghệ thuật tạo hình dân gian), cũng như sinh hoạt văn hóa dân gian và hội lễ dân gian.

LỜI GIỚI THIỆU

 

Nhận thức về văn hóa dân gian (folklore) với tính chất là một đối tượng khoa học đã từng là đề tài cho nhiều cuộc thảo luận của giới nghiên cứu văn hóa dân gian ở nước ta cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới. Hiện nay vẫn còn có những ý kiến chưa thống nhất với nhau về vấn đề ấy. Tuy nhiên, phần lớn các nhà nghiên cứu đã quan niệm folklore như một nghệ thuật cần được tiếp cận dưới giác độ thẩm mỹ và do đó coi nghiên cứu văn hóa dân gian (folklore-ristique) là một khoa học nghiên cứu nghệ thuật.

 

Là một khoa học xã hội, nghiên cứu folklore có ba loại vấn đề chính phải xử lý là:

 

a) Những vấn đề về lịch sử folklore và lịch sử khoa học nghiên cứu folklore;

 

b) Những vấn đề về lý luận folklore;

 

c) Những vấn đề về phương pháp luận nghiên cứu folklore.

 

Từ đó, trong khoa học nghiên cứu folklore đã hình thành ba bộ môn chủ yếu: bộ môn lịch sử folklore, bộ môn lý luận folklore, bộ môn phương pháp luận folklore. Hiện nay, ở nước ta, khoa nghiên cứu văn hóa dân gian đang trưởng thành dần để vươn tới xây dựng qui phạm khoa học và các bộ môn của khoa nghiên cứu folklore. Dù nghiên cứu từ giác độ của một bộ môn nào trong ba bộ môn trên đây thì vẫn phải dựa trên thực tế của đối tượng khoa học là văn hóa dân gian.

 

Trước hết, khi cho rằng văn hóa dân gian là một nghệ thuật thì cần phải thấy được nét đặc thù cơ bản của nó, nét đặc thù ấy giúp cho việc phân biệt nó với các loại nghệ thuật khác. Nét đặc thù cơ bản của folklore là ở chỗ đó là một nghệ thuật nguyên hợp. Việc xác định nét đặc thù cơ bản này giúp cho việc xác định phương pháp nghiên cứu cơ bản: đó là phương pháp tổng hợp. Là một nghệ thuật nguyên hợp, folklore gồm nhiều thành tố gắn bó một cách nguyên hợp và hữu cơ với nhau. Trong nhiều thành tố ấy nổi bật ba thành tố chủ yếu là nghệ thuật ngữ văn dân gian, nghệ thuật biểu diễn dân gian, nghệ thuật tạo hình dân gian. Các thành tố này, trong những điều kiện phát triển nhất định thì có thể tách khỏi chỉnh thể nguyên hợp là folklore để tồn tại độc lập. Nhưng những tác phẩm có lúc tách ra mà tồn tại độc lập như vậy lại thường xuyên được thu hút trở lại vào chỉnh thể nguyên hợp ấy. Môi trường văn hóa chủ yếu của xã hội trong đó sinh thành và phát triển văn hóa dân gian là các sinh hoạt văn hóa dân gian. Các hội lễ dân gian là loại sinh hoạt văn hóa dân gian được tổ chức ở một mức độ cao và có thể gọi là các "thời điểm mạnh" trong đời sống xã hội và văn hóa của nhân dân. Văn hóa dân gian với tính chất là một nghệ thuật nguyên hợp, các thành tố chủ yếu của văn hóa dân gian (như nghệ thuật ngữ văn dân gian, nghệ thuật biểu diễn dân gian, nghệ thuật tạo hình dân gian), cũng như sinh hoạt văn hóa dân gian và hội lễ dân gian là những lĩnh vực chủ yếu của việc nghiên cứu văn hóa dân gian.

 

Sách này là tập hợp một số bài nghiên cứu viết về các lĩnh vực kể trên. Mong rằng tập sách có thể giúp ích cho việc nghiên cứu văn hóa dân gian, trước hết là ở những gợi ý được nêu lên trong đó.

 

MỤC LỤC

 

Văn hóa dân gian là một nghệ thuật nguyên hợp

Đinh Gia Khánh

 

Từ khái niệm phôncơlo đến đối tượng của phôncơlo học

Ngô Đức Thịnh & Hà Đình Thành

 

Văn hóa dân gian và việc tìm hiểu lịch sử tư tưởng Việt Nam

Vũ Ngọc Khánh

 

Vai trò của truyện kể dân gian đối với sự hình thành các thể loại tự sự trong văn học Việt Nam

Kiều Thu Hoạch

 

Quá trình sưu tầm, nghiên cứu ca dao dân ca từ cuối thế kỷ XVIII đến trước Cách mạng Tháng Tám (1945)

Vũ Tố Hao

 

Sử thi Đam Xăn và phương pháp nghiên cứu văn hóa dân gian

Phan Đăng Nhật

 

Việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian ở Liên Xô và Việt Nam

Nguyễn Xuân Kính

 

Nghệ thuật tạo hình dân gian

Đặng Đức

 

Điêu khắc đình làng

Trương Duy Bích

 

Nghệ thuật biểu diễn dân gian

Lê Ngọc Canh

 

Nghiên cứu âm nhạc từ góc độ phôncơlo học

Tô Đông Hải

 

Lễ hội trong đời sống nhân dân xưa và nay

Lê Trung Vũ

 

Phóng sự hình ảnh

Liên kết Website

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Bản quyền thuộc về Viện Nghiên Cứu Văn Hóa
Giấy phép số 499/GP-BC ngày 15/11/2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin lên mạng Internet
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm
Địa chỉ: 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Việt Nam. Email: vienvh@gmail.com
Điện thoại: 043.9784868. Fax: 043.9725903