LỜI TỰA
Việt Nam là quốc gia nằm bên bờ biển Đông có đường bờ biển dài 3260km với nhiều đảo và quần đảo lớn nhỏ chạy dọc theo đất nước. Từ trong cội nguồn lịch sử, biển đã gắn bó và có vai trò quan trọng đối với sự sinh tồn, phát triển của nhiều cộng đồng tộc người và của quốc gia. Những con đường giao thương trên biển, sự giao lưu và phát triển của các truyền thống văn hóa, sự hội nhập và tiếp biến, sự giao thoa, hội tụ văn hóa đả được hình thành từ rất lâu trên dọc chiều dài bờ biền của đất nước, góp phần hình thành nên một nền văn hóa biển đảo đậm đặc, rõ nét trong bức tranh văn hóa đa dạng, đầy sắc màu của Việt Nam. Văn hỏa biền Việt Nam, theo nghĩa rộng nhất, như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận diện, bao gồm hệ tri thức bản địa, tập tục, nghi lễ, vũ trụ quan, sinh kế, tín ngưỡng... của các cư dân ven biển và gắn với biển, đã và sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng như là nền tảng của sự tồn tại và phát triển của các cư dân ven biển nói riêng và của đất nước nói chung. Với tầm quan trọng như vậy, văn hóa biển Việt Nam, từ lâu, đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của các học giả ở nhiều ngành nghiên cứu khác nhau như sử học, dân tộc học, nhân học, nghiên cứu văn hóa, văn học,... Các nghiên cứu về văn hóa biển của các học giả Việt Nam và quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu ờ cả khía cạnh lí luận lẫn thực tiễn.
Sau hơn 30 năm đổi mới, triết lí, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của nhà nước cũng như quá trình hội nhập nhanh chóng và mạnh mẽ của Việt Nam vào khu vực và quốc tế đã tạo ra những thay đổi lớn, đem lại những thuận lợi đồng thời cũng tạo ra nhiều khó khăn, thách thức trong đời sống xã hội, thực hành văn hóa, sinh kế, bảo tồn và phát huy dl sản,... của các cộng đồng cư dân vùng biển đảo. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới với những sự chuyển đồi lớn, cần có sự tồng kết, nhìn nhận lại các thành quả nghiên cứu trước đây, đồng thời, quan trọng hơn, nhận diện các vấn đề nghiên cứu mới có ý nghĩa lí luận và thực tiễn trong xã hội Việt Nam đương đại. Trong bối cảnh này, vào những ngày cuối thu năm 2017, Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa biển Trung Bộ trong xã hội đương đại” nhằm tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học tổng kết lại chặng đường, thành quả các nghiên cứu văn hóa biển trước đây, đồng thời chia sẻ, công bố các kết quả nghiên cứu mới trong bối cảnh của sự chuyển đổi kinh tế - chính trị của vùng biển Việt Nam nói chung và vùng biển Trung Bộ nói riêng hiện nay. Trên cơ sở đó, nhận diện những vấn đề nghiên cứu trước đây còn bỏ ngỏ và thảo luận để đề xuất, xây dựng các chương trình nghiên cứu về các vấn đề mới nảy sinh trong bối cảnh xã hội đương đại.
Cuốn sách trên tay bạn đọc là tập hợp có chọn lọc các bài nghiên cứu từ 26 bài viết được gửi tới hội thảo này. Các bài viết được lựa chọn đã được các tác giả chỉnh sửa dựa trên các góp ý, nhận xét từ Nhóm biên tập cũng như những trao đổi, góp ý từ các đồng nghiệp trong và sau hội thảo. Dựa vào nội dung các bài viết, cuốn sách được chia thành bốn phần, mỗi phần đề cập đến một chủ đề lớn trong nghiên cứu văn hóa biển Việt Nam.
Phần thứ nhất tập trung vào hướng tiếp cận và các vấn đề nghiên cứu mới trong nghiên cứu văn hóa biển Việt Nam gồm 3 bài viết của tác giả Trần Thị An, Đào Thế Đức, và Phạm Thanh Duy. Dựa chủ yếu vào các tài liệu đã xuất bản và kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm về chủ đề này, tác giả Trần Thị An đã hệ thống kết quả nghiên cứu văn hóa biển ở Việt Nam được thực hiện bởi các học giả trong nước và quốc tế và chỉ ra những thành tựu và các khoảng trống cần được tiếp tục nghiên cứu. Theo tác giả, dù văn hóa biển Việt Nam được nghiên cứu bởi các ngành nghiên cứu khác nhau, bao gồm dân tộc học, khảo cổ xã hội học, Hán Nôm, ngôn ngữ,... song nội dung các bài viết tập trung trình bày và lí giải ba vấn đề lớn là chủ thể văn hóa biển, văn hóa sinh kế và văn hóa phong tục. về hướng tiếp cận, cho dù chủ đề văn hóa biển đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, song hầu hết các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc mô tả và liệt kê mà chưa quan tâm đúng mức đến tư liệu thực địa. Cách tiếp cận truyền thống này làm cho lĩnh vực nghiên cứu văn hóa biển hiện nay “đang có nguy cơ chững lại”, để lại nhiều khoảng trống nghiên cứu. Đề khỏa lấp khoảng trống nghiên cứu này, tác glả đã đề xuất các hướng tiếp cận nghiên cứu mới, như nhân học biển, thích ứng với biển, văn hóa học về biền, vấn đề địa văn hóa, vấn đề tổ chức xã hội,... Bài viết của tác giả Đào Thế Đức tổng kết lại các hướng tiếp cận mang tính lí thuyết và vấn đề nghiên cứu trong nghiên cứu về hệ thống và thực hành tín ngưỡng của cư dân vùng biển miền Trung, một chủ đề nghiên cứu được quan tâm nhiều nhất trong nghiên cứu văn hóa biển Việt Nam. Tín ngưỡng của cư dân biển miền Trung, theo tác giả, chủ yếu được nhận diện và lí giải thông qua lăng kính vùng văn hóa, tiếp biến văn hỏa, và cấu trúc - chủ thể hành động. Trong khi hướng tiếp cận vùng văn hóa được các nhà nghiên cứu sử dụng để lí giải và chỉ ra sự đặc trưng trong thực hành tín ngưỡng của các tiểu khu vực biển (cư dân vùng biển duyên hải Nam Trung Bộ gắn với tục thờ cá ông và cư dân vùng biển phía Bắc gắn với tục thờ cúng Tứ vị Thánh nương), nhiều nhà nghiên cứu lí giải nguồn gốc các thực hành tín ngưỡng của các cộng đồng người Việt qua lăng kính tiếp biến văn hóa, trong đó nhấn mạnh sự giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa hệ thống tín ngưỡng Chăm và Việt, cấu trúc - chủ thể hành động, trong khi đó, được một số nhà nghiên cứu sử dụng để lí giải mối quan hệ, sự tương tác giữa nhà nước/chính quyền trung ương và các cộng đồng địa phương trong thực hành tín ngưỡng trong lịch sử, đặc biệt là dưới thời nhà Nguyễn. Ngoài ra, một số nghiên cứu quan tâm đến yếu tố giới trong thực hành tín ngưỡng, đặc biệt là vai trò của phụ nữ trong thực hành tín ngưỡng của các cộng đồng cư dân biển. Tác giả Phạm Thanh Duy đã khái quát các hướng nghiên cứu nhân học biển, ví như nghiên cứu về ngư cụ, về các làng chài ven biển, về đời sống của những người ngư dân,... Từ đó tác giả gợi ý một số chủ đề nghiên cứu khả thi cho nghiên cứu nhân học biển ở Việt Nam như: sản xuất tri thức, quản lí biển, đời sống của các cộng đồng cư dân ven biển, các cú sốc, thiên tai và phục hồi bờ biển, mối quan hệ giữa người dân với biển...
Các bài viết trong phần thứ hai của cuốn sách cung cấp cho người đọc những cứ liệu và góc nhìn lịch sử khá lí thú về văn hóa biền miền Trung, từ đó gợi mở hướng tiếp cận mới cũng như chỉ ra các vẩn đề còn bỏ ngỏ trong nghiên cứu văn hóa biển Việt Nam nói chung và văn hóa biển miền Trung nói riêng. Ngược với quan điểm cho rằng người Việt “xa rừng, nhạt biển”, tác giả Nguyễn Văn Kim, dựa vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau, chỉ ra rằng trong hành trình lịch sử - văn hóa của dân tộc từ thời dựng nước, biển có một vị trí khá quan trọng trong tâm thức và tư duy của nhiều tộc người ở Việt Nam. Vị trí của biển trong tâm thức và tư duy của các cộng đồng tộc người, đặc biệt là người Việt, không chỉ được thể hiện rõ trong các truyền thuyết, huyền thoại như truyện Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Tiên Dung - Chử Đồng Tử mà còn biểu hiện rõ trong niềm tin, thực hành tín ngưỡng dân gian của nhiều cộng đồng. Dấu ấn của biển trong đời sống của người Việt Nam cũng được thể hiện rõ thông qua các nguồn tư liệu khảo cổ, có niên đại từ thời Đồ đá mới. Trong bài viết, tác giả cũng dành nhiều số trang để làm rõ sự quan tâm của các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Lí, Trần, Lê sơ, Lê trung hưng đến chúa Nguyễn về vị trí quan trọng của biển, đặc biệt là nguồn tài nguyên biền và vấn đề chủ quyền đối với biển. Dựa chủ yếu vào tư liệu dân tộc học của nhóm tộc người Ca Dong ở huyện Sơn Tây của Quảng Ngãi, bài viết của Andrew Hardy đưa ra các giả thuyết về mô hình trong trao đổi kinh tế của thời kì được ông đặt tên là “hậu Chămpa". Dù có sự cách biệt về không gian địa lí và những rào cản khác, thời kì hậu Chămpa, theo tác giả, chứng kiến sự phổ biển của hệ thống trao đổi kinh tế liên tộc người, theo hướng Đông - Tây, trải dài về không gian địa lí và vắt qua vùng cư trú của nhiều tộc người với vai trò quan trọng của người Ca Dong, Sêđăng và H’rê. Điểm nổi bật trong hệ thống trao đổi kinh tế này là việc “buôn bán từng chặng” và việc trao đổi buôn bán diễn ra giữa các cá nhân hơn là thông qua các trung tâm buôn bán lớn. Hệ thống trao đổi kinh tế hàng hóa hậu Chămpa, nhìn rộng hơn, đã đỏng vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối vùng cao nguyên Tây Nguyên với các chợ ở đồng bằng ven biển. Tương tự như kết quả nghiên cứu của Andrew Hardy, bài viết của tác giả Edyta xoá bỏ quan điểm phổ biến trước đây nhấn mạnh về sự khu biệt về mặt văn hóa - xã hội giữa vùng núi và đồng bằng trong lịch sử. Miền núi và miền xuôi, theo tác giả, là những không gian mở, không có sự khu biệt và chia cắt về mặt văn hóa - xã hội. Đối với Andrew, hệ thống buôn bán hàng hóa theo kiểu “từng chặng” là sợi dây kết nối giữa các cư dân của hai vùng, thì trong bài viết của mình, Edyta quan tâm vai trò của niềm tin và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo. Việc tham gia vào các nghi lễ thờ phụng nữ thần Thiên Y A Na, theo tác giả, đã xoá nhoà khoảng cách giữa miền núi và miền biển, giữa người Kinh và các nhóm tộc người khác trong một không gian địa lí rộng lớn ở khu vực miền Trung Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của Andew và Edyta gợi ra một hướng tiếp cận mới, đó là việc nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa biển miền Trung, về mặt phương pháp luận, cần phải đặt trong bối cảnh không gian rộng lớn hơn và trong sự tương tác với các tộc người trong và ngoài khu vực. Cùng mối quan tâm về sự kết nối, song ở phạm vi rộng hơn, tác giả Văn Món chỉ ra vai trò quan trọng của người Chăm trong việc hình thành và phát triền của con đường tơ lụa trên biển Đông, một mạng lưới buôn bán kéo dài từ miền Đông Bắc Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia đến Án Độ và Ả Rập. Với tư duy hướng biển cùng với khả năng buôn bán quốc tế trên biển, người Chăm ở miền Trung Việt Nam đã sớm trở thành một mắt xích quan trọng trong con đường tơ lụa trên biển từ hàng nghìn năm trước. Vai trò và sự hiện diện của người Chăm trên con đường tơ lụa này, theo tác giả, được in đậm trong tư liệu lịch sử của người Chăm, thể hiện sự tồn tại và bố trí của hệ thống giếng Chăm cũng như hệ thống đền, tháp Chăm còn tồn tại đến ngày nay. Bài cuối cùng trong nhóm chủ đề này, của tác giả Trần Đình Hằng, đi sâu phân tích cách thức ứng phó với biển của các cộng đồng cư dân người Việt vùng ven biển miền Trung. Ngoài việc tích luỹ tri thức về biển những người nông dân người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ, trong hành trình di cư từ Bắc vào Nam rồi định cư ở các vùng ven biển miền Trung, đã sớm xây dựng một hệ thống tín ngưỡng thờ thần biển, thuỷ thần để chế ngự và vượt qua tâm lí sợ biển, “để rồi đối diện và từng bước chế ngự, làm chủ vùng biển trên nhiều phương diện, từ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh nền tảng cho đến cả nhu cầu kinh tế lẫn vấn đề an ninh quốc phòng”. Việc xây dựng tín ngưỡng thờ thần biển như một phương cách ứng phó và thích ứng của các cộng đồng cư dân ven biển đã được triều đình nhà Nguyễn coi trọng, thể hiện qua việc ban sắc phong cho các vị thần biển. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có triết lí và ưu tiên phát triển của nhà nước, từ sau 1954, phương thức ứng xử linh hoạt với biển được xây dựng và củng cố trong một thời kì dài trong lịch sử như vậy đã không được tiếp tục thực hiện, và điều này có nguy cơ tạo ra những khoảng trống về mặt văn hóa và tâm linh trước biển.
Các bài viết trong chủ đề thứ ba thảo luận các vấn đề liên quan đến thực hành cũng như các thách thức trong sinh kế của các cộng đồng cư dân ven biển miền Trung hiện nay. Trong bài viết của mình Trịnh Xuân Hạnh trình bày một cách có hệ thống về ngành nghề biển truyền thống của cư dân đảo Lý Sơn, qua đó thấy được cách thức cộng đồng cư dân này thích ứng với biển. Sự đa dạng của các ngành nghề các cộng đồng cư dân đã và đang thực hành để khai thác nguồn tài nguyên biển chứng tỏ rằng các cư dân Lý Sơn đã nắm giữ một hệ tri thức địa phương lớn về biển, góp phần khẳng định sự cộng cư lâu đời của các nhóm cư dân trên hòn đảo này. Tác giả, thêm vào đó, cũng bước đầu nhận diện các thách thức đối với các ngành nghề biểntruyền thống trên đảo và chỉ ra nguyên nhân tạo ra các thách thức này, trong đó nhấn mạnh đến sự tác động của các chính sách phát triển thiếu tính bền vững. Dựa vào cả tư liệu định lượng và định tính, bài viết của hai tác giả Bùi Vũ Duy Quang và Bùi Quang Thanh nhận diện hiện trạng và diễn biến sinh kế của ngư dân ở đảo Lý Sơn. Hiện nay, mặc dù các hoạt động sinh kế ở đây khá đa dạng bởi sự xuất hiện và phát triển của các ngành nghề mới, đặc biệt là kinh tế du lịch và dịch vụ, song các hoạt động sinh kế truyền thống, đặc biệt là khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản, vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh kế của người dân. Việc duy trì các thực hành sinh kế truyền thống cũng làm cho các phong tục, nghi lễ gắn với sinh kế truyền thống như lễ ra mắt, lễ xuống nghề của vạn, hay các tục hèm, kiêng cữ,... vẫn còn được lưu giữ và thực hành trong đời sống của người dân hiện nay.
Phần bốn của cuốn sách gồm 3 bài viết của các tác giả Nguyễn Phước Bảo Đàn, Lâm Nhân và của Bùi Quang Thanh có nội dung tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến việc nhận diện, bảo tồn và phát huy di sản, đặc biệt là văn hóa phi vật thể của các cộng đồng cư dân ven biển. Tuy nghiên cứu ở các địa bàn khác nhau, song cả ba bài đều chia sẻ các kết quả nghiên cứu khá đồng nhất, đó là sự khẳng định: Trải qua quá trình sinh sống và gắn bó lâu đời với biền, các cộng đồng cư dân ven biển miền Trung đã và đang sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú và đa dạng. Kho tàng di sản văn hóa này đã và đang trở thành nguồn lực văn hóa giúp họ tồn tại và thích ứng tốt với môi trường biển. Các bài viết đề xuất: Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan quản lí văn hóa và hoạch định chính sách ở địa phương cần xây dựng các biện pháp bảo vệ và phát huy nguồn lực quan trọng này cho sự tồn tại và phát triển bền vững của các cộng đồng.
Để hoàn thành cuốn sách này, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã hỗ trợ và tạo điều kiện tổ chức Hội thảo. Cảm ơn các nhà khoa học đã tham gia và thảo luận tại Hội thảo. Cảm ơn Công ty cổ phần Sách và Công nghệ Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Thế Giới đã đồng hành cùng chúng tôi để giới thiệu cuốn sách này với bạn đọc.
Nguyễn Thị Phương Châm - Hoàng Cầm
Link: Đang cập nhật