LỜI NÓI ĐẦU
Ở nước ta, các vấn đề về văn hóa dân gian đã được quan tâm từ rất lâu và các thế hệ học giả từ năm 1945 trở về trước đã có không ít thành tựu. Tuy nhiên, chỉ từ năm 1945 trở về sau thì việc nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam mới từng bước trở thành một ngành khoa học. Trong hơn bốn mươi năm qua, giới nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam đã có những thành tựu rất to lớn trong việc sưu tập tư liệu điền dã cũng như trong việc nghiên cứu khoa học. Với những thành tựu ấy, ngành nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam đã trưởng thành ngày một nhanh hơn, với trình độ lý luận và phương pháp luận ngày một cao hơn. Việc tìm hiểu những thành tựu của ngành nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam kết hợp với việc tìm hiểu kinh nghiệm của ngành nghiên cứu văn hóa dân gian ở một số nước đã đưa lại những thu hoạch bước đầu mà tác giả trình bày trong chuyên luận "Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian" này.
Thuật ngữ "Văn hóa dân gian" của ta (như được trình bày trong mục I, chương 1 của chuyên luận) tương đương với hai thuật ngữ quốc tế Folk - culture và Folklore. Khi được dùng theo ý nghĩa rộng, tức là tương đương với Folk - culture thì thuật ngữ "văn hóa dân gian" được hiểu là văn hóa vật chất và tinh thần của dân chúng. Khi được dùng theo ý nghĩa hẹp, tức là tương đương với folklore, thì thuật ngữ "văn hóa dân gian" được hiểu là nghệ thuật nguyên hợp của dân chúng.
Hiện nay "folklore" đã trở thành một thuật ngữ quốc tế phổ biến ở nhiều nước và có lẽ chúng ta cũng nên dùng nó như một thuật ngữ Việt Nam. Xét cho kỹ thì dùng thuật ngữ "văn hóa dân gian" đề gọi cái mà thuật ngữ quốc tế gọi là "folklore" cũng chưa thực là ổn, vì căn cứ vào từ ngữ thì "Văn hóa dân gian" chưa phản ánh được tính chất của đối tượng là một nghệ thuật. Trong chuyên luận này, có sử dụng cả hai thuật ngữ "văn hóa dân gian" và "folklore". Tùy theo văn cành mà tác giả sử dụng thuật ngữ này hoặc thuật ngữ kia, nhưng vẫn là đề gọi cùng một đối tượng mà thôi.
Do sự hạn chế của số trang sách, cho nên trong chuyên luận này, chúng tôi chưa có thể dành riêng một chương cho việc thảo luận về các ý kiến cụ thể của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nước ta hiện nay. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam hiện nay có những nhận định và những luận điểm đa dạng, phong phú và không ít khi trái ngược nhau. Phần lớn những nhận định và luận điểm ấy đều là kết quả của những nỗ lực nghiên cứu nghiêm túc và đều bổ ích về phương diện này hoặc về phương diện khác cho việc xây dựng nên chuyên luận này.
Để chuyên luận này có thể ra mắt độc giả, đã có sự giúp đỡ của Nhà xuất bản Khoa học xã hội, đặc biệt là của đồng chí Nguyễn Đức Diệu, giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản.
Hà Nội, ngày 10-7-1989
MỤC LỤC
Chương I. Vấn đề văn hóa dân gian (folklore) đang được đặt ra như thế nào?
Mục I: Vấn đề folklore trong thế giới hiện đại
Mục II: Văn hóa dân gian (folklore) là gì?
Chương II. Điểm qua sự hình thành của (folklore) học
Mục I: Folklore đã được quan tâm từ rất lâu trong việc nghiên cứu Folk-culture
Mục II: Nhận thức về folklore như một đối tượng khoa học đã hình thành từng bước với khoa học phương Tây
Mục III: Chủ nghĩa Mác - Lênin và việc nghiên cứu folklore
Chương III. Văn hóa dân gian (folklore) là một nghệ thuật nguyên hợp
Mục I: Quan hệ thẩm mỹ của con người với thế giới chung quanh là nguồn gốc của văn hóa dân gian (folklore)
Mục II: Tính nguyên hợp là đặc tính cơ bản của văn hóa dân gian (folklore)
Chương IV. Các thành tố chủ yếu của văn hóa dân gian (folklore)
Mục I: Nghệ thuật tạo hình dân gian
Mục II: Nghệ thuật biểu diễn dân gian
Mục III: Nghệ thuật ngữ văn dân gian
Chương V. Sinh hoạt văn hóa dân gian
Mục I: Môi trường sống và lối sống của dân chúng qui định tính chất của sinh hoạt văn hóa dân gian
Mục II: Hội lễ dân gian - Thời điểm mạnh trong đời sống của cộng đồng
Chương VI. Các loại vấn đề lớn của folklore học
Mục I: Lịch sử folklore
Mục II: Lý luận folklore
Mục III: Phương pháp luận folklore
Mục IV: Công tác khảo sát, điều tra tư liệu, thông tin
Chương VII. Vai trò của folklore học Việt Nam hiện nay trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới
Mục I: Vị trí của văn hóa dân gian (folklore) trong đời sống văn hóa của nước ta từ xưa đến nay
Mục II: Việc nghiên cứu văn hóa dân gian (folklore) trong lịch sử nước ta
Mục III: Việc nghiên cứu văn hóa dân gian (folklore) trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, con người mới