Với nội dung phong phú, cuốn sách “Sự phát triển của Làng nghề La Phù” do nhóm tác giả Tạ Long (chủ biên), Trần Thị Hồng Yến, Nguyễn Thị Thanh Bình đồng thực hiện và được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 2007 đã góp thêm tiếng nói trong việc nghiên cứu làng nghề hiện nay nói riêng và đóng góp vào kho tàng nghiên cứu xã hội học những cứ liệu khoa học trong nghiên cứu làng xã Việt Nam nói chung.
Với kết cấu gồm 6 chương, chương 1 “Sơ lược về địa lý, lịch sử, dân cư và bối cảnh phát triển” đã cung cấp cho độc giả những hiểu biết xung quanh vấn đề phát triển của làng nghề này như nguồn gốc cư dân, vùng địa lý tính từ thời Lê Mạt đến nay, các tổ chức xã hội truyền thống, các dòng họ và điều kiện phát triển làng nghề.
Chương 2 “Sự phát triển của làng nghề ở La Phù” - phần mục này nhóm tác giả đã chia các giai đoạn phát triển của làng nghề La Phù thành 3 thời kỳ: Thời kỳ Pháp thuộc; Thời kỳ từ sau năm 1954 tới trước năm 1990; Thời kỳ từ năm 1991 đến nay. Tiếp theo các tác giả đề cập đến sự phát triển của nghề dệt len trong thời kỳ thị trường toàn cầu hoá hiện nay, qua đó độc giả có thể thấy rõ những bước phát triển trong việc định hướng phát triển làng thủ công truyền thống ở La Phù.
Trong chương 3 “Những kết quả phát triển sau bước chuyển đổi” các tác giả tập trung trình bày về các ngành nghề đang phát triển trên đất La Phù; Sự xuất hiện của các mô hình tổ chức sản xuất và các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến sự tăng trưởng giá trị sản phẩm; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế hay sự thay đổi về cơ cấu thu nhập bình quân của lao động qua các năm dẫn đến các thay đổi trong cơ cấu xã hội và sự biến chuyển trong quan hệ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Chương 4 “Sự phát triển của các xóm và các dòng họ”. Khám phá chương này độc giả sẽ tìm thấy nhiều thông tin thú vị xung quanh vấn đề phát triển của làng nghề La Phù thời kỳ trước năm 1954; Sự phát triển ngành nghề của các xóm và dòng họ thời kinh tế thị trường những năm gần đây, qua đó còn tìm thấy các thông tin liên quan đến vấn đề sử dụng lao động và thu nhập theo nghề tại các xóm, các dòng họ trong thời điểm hiện tại.
Chương 5 “Sự biến đổi trong lối sống văn hoá”. Đọc chương này độc giả sẽ thấy được bức tranh văn hoá đang thay đổi trong đời sống của người dân La Phù từ lối sống nông nghiệp sang lối sống công – thương nghiệp, hiểu rõ bản chất của vấn đề tại sao lại có sự thay đổi của lối sống từ “Dĩ nông vi bản” sang lối sống và kiểu tích luỹ công – thương nghiệp và sự chuyển đổi từ nhịp điệu mùa vụ nông nghiệp sang nhịp điệu lao động công – thương nghiệp. Tiếp đó độc giả còn thấy được cả những vấn đề xã hội nảy sinh liên quan đến sự thay đổi về học vấn và hệ thống giáo dục thời kỳ trước năm 1945, thời kỳ cuối những năm 80 đầu 90 và những năm gần đây. Những vấn đề liên quan đến việc duy trì các nét văn hoá truyền thống trong đời sống làng xã thời hiện đại, hay vài nét về cốt cách con người La Phù cũng là những vấn đề được đề cập xuyên suốt và có hệ thống trong cuốn sách này.
Chương 6 “Đóng góp ngân sách của La Phù. Những vấn đề cần tháo gỡ để đẩy nhanh hơn nữa quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá của địa phương”. Đây là chương đề cập đến những đóng góp của La Phù vào ngân sách Nhà nước và sự đầu tư của Nhà nước cho La Phù, cũng như những khó khăn mà La Phù cần phải giải quyết trong việc xây dựng điểm công nghiệp và các đường lối để phát triển khu công nghiệp; Vấn đề quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông công chính; Phổ cập các kiến thức về kinh tế thị trường cho người lao động, cung cấp công nghệ, tư liệu và kỹ thuật sản xuất…
Với những thông tin liên quan đến sự phát triển của làng nghề La Phù đầy đủ và hệ thống như vậy, cuốn sách không những là nguồn tư liệu cho các nhà quản lý tại các địa phương nghiên cứu để rút ra các bài học kinh nghiệm trong việc phát triển các làng nghề truyền thống tại địa phương mình, mà qua đó cuốn sách còn cung cấp cho độc giả những hiểu biết về bản sắc văn hoá của một làng nghề cụ thể trong sự biến đổi xã hội thời kỳ hội nhập.
Hy vọng bạn đọc sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị khi đọc cuốn sách này.
Phạm Vĩnh Hà