Từ lâu, trong hướng tiếp cận văn hóa dân gian các dân tộc ở Việt Nam từ góc độ tín ngưỡng, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian đã quan tâm đặc biệt tới Đạo Mẫu, một hình thức tín ngưỡng dân gian khá tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Liên quan tới hình thức tín ngưỡng này, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian đã xuất bản một số công trình, như Vân Cát thần nữ (1990), Tứ bất tử (1990), Hát văn (1992) và gần đây là bộ sách Đạo Mẫu ở Việt Nam (1996, 2001). Ngoài ra, các nhà nghiên cứu khác cũng đã chú ý tới loại hình tín ngưỡng này, thông qua hàng loạt công trình đã xuất bản, trong đó tiêu biểu nhất phải kể tới cuốn sách Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Trung Bộ do Nguyễn Hữu Thông chủ biên (2002). Hơn thế nữa, Tục thờ Mẫu và lên đồng của người Việt, Chăm, Tày, Bru cũng đã đang thu hút sự quan tâm của nhiều học giả nước ngoài, như Nga, Mỹ, Hungary, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Hiện tượng tín ngưỡng và văn hóa này không chỉ thu hút sự chú ý của các nhà khoa học, mà còn được các nhà quản lý văn hóa và xã hội quan tâm: Bên cạnh những mặt tích cực, những giá trị văn hóa tiêu biểu, thì Đạo Mẫu và đặc biệt là hiện tượng lên đồng cũng chứa đựng những mặt tiêu cực cần phải loại bỏ.
Để tiến thêm một bước trong việc nhận thức về Đạo Mẫu và các hình thức Shaman (lên đồng) của các dân tộc ở nước ta, được sự đồng ý của Chính phủ, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia đã phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội thảo quốc tế "Tín ngưỡng thờ Mẫu và Lễ hội Phủ Dầy", từ ngày 30/3 đến 2/4/2001 tại Hà Nội. Mục đích của hội thảo là nhằm nhận thức thờ Mẫu của người Việt với các dân tộc khác trong nước và các dân tộc ở châu Á, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Malaysia, Nhật..., từ đó thấy được những nét chung cũng như các sắc thái riêng của từng dân tộc, từng nước. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng trăm nhà khoa học trong nước, cũng như nhiều học giả quốc tế đến từ Nga, Trung Quốc, Mỹ, Hungary, Hàn Quốc, Nhật, Thụy Điển... Cuốn sách mà độc giả đang có trong tay chính là tập hợp nội dung cơ bản của cuộc Hội thảo quốc tế này.
Sách "Đạo mẫu và các hình thức Shaman ở Việt Nam và châu Á" gồm 4 phần:
- Phần thứ nhất: Đạo Mẫu ở Việt Nam gồm 16 bài, tập trung giới thiệu Đạo Mẫu của người Việt cũng như của một số dân tộc khác như Tày, Nùng, Chăm, ở người Trung Quốc cổ đại, giữa Đạo Mẫu của Việt nam với thờ Đức Mẹ Maria của Kitô giáo. Có khá nhiều bài viết về di tích thờ Mẫu và Lễ hội ở Phủ Dầy với vị trí như là trung tâm thờ Mẫu của Việt Nam.
- Phần thứ hai: Lên đồng của người Việt gồm 10 bài, tập trung giới thiệu hiện tượng lên đồng của người Việt với tính chất như là một nghi lễ điển hình nhất của Đạo Mẫu. Các bài viết đi vào các khía cạnh: Thần linh và hiện tượng nhập và xuất hồn trong lên đồng, lên đồng như là một hiện tượng tâm linh mang tính trị liệu, giáng bút, âm nhạc trong lên đồng, so sánh giữa lên đồng với then của người Tày, Kut của người Hàn Quốc...
- Phần thứ ba: Các nghi lễ Shaman của các dân tộc ở Việt Nam gồm 13 bài, giới thiệu và so sánh giữa lên đồng của người Việt với các hình thức lên đồng (Shaman) của các dân tộc thiểu số khác, như Then của người Tày, Trượng và Mỡi của người Mường, Phi Một của người Thái, Shaman của người Mông, Bru, Pjâo của người Tây Nguyên, Vijou của người Raglai, Rija Nưgar của người Chăm... Đây chưa phải là tất cả các hình thức Shaman của các dân tộc nước ta, tuy nhiên, thông qua các hình thức đã nêu cũng cho ta thấy được những nét khái quát nhất về hiện tượng tín ngưỡng độc đáo này.
- Phần thứ tư: Shaman giáo ở các nước gồm 7 bài, cung cấp cho chúng ta bức tranh khái lược về Shaman giáo ở một số nước châu Á, như Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia. Đó là cơ hội thuận lợi để chúng ta so sánh các hình thức Shaman ở Việt Nam và các nước trong khu vực.
Phương Thủy
Link
Chú ý: Quý độc giả khi yêu cầu quyền tiếp cận tài liệu cần ghi rõ họ tên, đơn vị công tác/học tập, mục đích sử dụng tài liệu và cam kết không chia sẻ tài liệu cho bên thứ ba.