Đạo Mẫu là một hiện tượng văn học dân gian. Từ ngàn xưa trong tâm thức của người Việt Nam tín ngưỡng luôn là một phạm trù thuộc văn hoá tinh thần, chứa đựng đầy đủ những ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt, phản ánh đậm nét nguyên lý âm dương, từ Trời Đất, Tiên Rồng cho đến Cha Mẹ, trong đó "Đạo thờ Cha mẹ” luôn là tinh thần văn hoá có sẵn trong tâm niệm người Việt. Mặt khác, song hành với nguyên lý âm dương trong tín ngưỡng, người Việt chúng ta còn có khuynh hướng đề cao tính nữ như Phật Mẫu, Thánh Mẫu, Mẹ sanh, Mẹ độ… vì thế việc tôn thờ Mẫu Liễu ở các tỉnh phía Bắc và việc thờ Đức Phật Mẫu ở các tỉnh phía Nam trở thành Đạo Mẫu. Đạo Cao Đài đề cao Tam giáo, thờ Phật Mẫu đã bắt nguồn từ truyền thống văn hoá nông nghiệp của đất nước ta.
Từ kho tàng văn học, đăc biệt là văn học dân gian nước ta, có một số mảng riêng đã sưu tầm hay còn đang được lưu truyền trong dân gian, được ghi chép thành văn hay còn đang ở dạng truyền miệng gắn liền với Đạo Mẫu như: Văn chầu, thần tích, thần phả, các huyền thoại, truyền thuyết, các bài thơ giáng bút và ứng khẩu, các câu đối và văn bia...
Các bài văn chầu là nguồn tư liệu vô giá về Đạo Mẫu, nguồn gốc, tính cách của từng vị thánh. Hơn thế nữa, thông qua các bài văn chầu ta cũng có thể nhận biết được những ngưỡng vọng, tâm tư tình cảm của con người, con đường và phương thức sáng tạo nghệ thuật của dân gian trước kia cũng như hiện nay. Bởi vì các bài văn chầu vẫn hàng ngày được các nghệ nhân hát chầu văn lưu truyền và sáng tác. Hầu hết các bài hát chầu chủ yếu đều mô tả dung nhan, nơi hiển thánh, nơi chu du và giáng hạ ở các nơi cầu cúng như đền, chùa, các khu di tích… nói lên công đức của các vị thánh, vị phật trong việc cứu khổ cứu nạn, giúp dân, giúp nước. Có các bài văn còn mô tả cảnh đánh cờ, bắn cung, cưỡi ngựa, chèo đò, bơi thuyền, cảnh lên núi, lội suối, hái hoa quả... Nói chung cấu trúc của loại hình các bài văn chầu thuộc các phạm trù văn học dân gian, theo thể loại thơ kể truyện, diễn đạt bằng thể loại văn vần lục bát hay song thất lục bát. Hình thức phát triển của văn chầu đã tạo hiệu quả thu hút người nghe trong môi trường linh thiêng của thế giới tâm linh và tín ngưỡng.
Trong tín ngưỡng dân dã của người Việt và một số tộc người khác, tục thờ Nữ thần, thờ Mẫu và Mẫu Tam phủ - Tứ phủ (Đạo Mẫu) có vai trò và vị trí khá quan trọng, nó đáp ứng những nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người. Do vậy, nó phổ biến từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi đến miền núi. Đạo Mẫu, ngoài những nghi lễ thờ cúng, nó còn sản sinh và tích hợp nhiều giá trị văn hóa - nghệ thuật, tạo nên một thứ "Văn hóa Đạo Mẫu", chứa đựng nhiều sắc thái độc đáo của văn hoá dân tộc. Chính vì thế nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc cũng như nhằm cung cấp thêm tài liệu tham khảo về Đạo Mẫu tác giả Ngô Đức Thịnh (Viện Nghiên cứu Văn hoá) đã cùng với các tác giả khác là Phạm Văn Ty và Nguyễn Hữu Thông sưu tầm, sắp xếp tư liệu các bài văn chầu trong dân gian và cho ra đời cuốn sách mang tiêu đề là “Đạo Mẫu” .
Sách dày 398 trang, in khổ 14.5x20.5cm, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành vào quý I năm 2007 gồm 100 bài hát chầu văn tiêu biểu nhất, thường hay được hát trong các giá hầu bóng ở các đền phủ và được xắp sếp theo thứ tự các giá: từ Giá Mẫu, Hàng Quan, Chầu, ông Hoàng, Cô, Cậu…
Hy vọng cuốn sách sẽ đáp ứng được các nhu cầu tìm hiểu thông tin của bạn đọc.
Trân trọng giới thiệu!
Phạm Vĩnh Hà