LỜI NÓI ĐẦU
Đa dạng văn hóa đóng vai trò hết sức quan trọng cho nhân loại nói chung, cho các cộng đồng tộc người và cho quốc gia dân tộc nói riêng. Tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa của UNESCO 2001 khẳng định đa dạng văn hóa “là một nguồn trao đổi, cải tiến và sáng tạo, sự đa dạng văn hóa đối với nhân loại cũng cần thiết như sự đa dạng sinh học trong trật tự cơ thể sống vậy. Với ý nghĩa đó, đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân loại và phải được thừa nhận và khẳng định vì lợi ích của các thế hệ ngày nay và mai sau”. Đa dạng văn hóa “mở rộng khả năng lựa chọn dành cho mọi người; đó là một trong những nguồn phát triển, được hiểu không chỉ theo nghĩa tăng trưởng kinh tế, mà còn là phương tiện để đạt tới một sự tồn tại mãn nguyện về trí tuệ, tình cảm, đạo đức và tinh thần”.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, với đa dạng các truyền thống, sắc thái văn hóa khác nhau. Sự đa dạng văn hóa ở Việt Nam thể hiện ở sự đa dạng trong các hình thức biểu đạt văn hóa như nếp sống, phong tục, tôn giáo tín ngưỡng, nghệ thuật, âm nhạc, tri thức địa phương, thực hành sinh kế, vũ trụ quan,... Sự đa dạng, phong phú của các thực hành và biểu đạt này là cơ sở quan trọng cho sự tồn tại bền vững, giàu tính bản sắc và nhân văn của các tộc người.
Theo Giáo sư Charles F. Keyes chỉ ra trong công trình Golden peninsula: Cultural and Adaptation in Mainland Southeast Asia (1995: 9), văn hóa “vừa là sự thể hiện của sự thích ứng của con người đối với các điều kiện tồn tại của họ, vừa là một hệ các điều kiện mà ở đó con người phải thích ứng”. Sự đa dạng văn hóa ở Việt Nam, vì vậy, không chỉ là sự thể hiện tính thích ứng của các cộng đồng, tộc người với điều kiện sống đặc trưng, mà còn là hệ các điều kiện mà họ phải thích ứng đế tồn tại.
Tuy nhiên, do nhận thức chưa đúng nên trong một khoảng thời gian dài, sự đa dạng văn hóa ở Việt Nam, ở cả góc độ lý luận và thực tiễn triển khai chính sách, được nhìn nhận dưới lăng kính tiến hóa luận đơn tuyến, theo đó sự khác biệt và đa dạng văn hóa ở các tộc người được coi là sản phẩm của sự phát triển cao thấp khác nhau mang tính phổ quát của loài người và của các cộng đồng, tộc người. Việc sử dụng khung tiếp cận tiến hóa luận đơn tuyến trong nghiên cứu và lý giải về đa dạng văn hóa đã đưa lại các kết quả nghiên cứu sai lệch, mang tính định kiến, không nhìn nhận đúng giá trị và vai trò của các biểu đạt văn hóa ở các tộc người. Cách nhìn như vậy cũng bỏ qua sự tương tác, kết nối mang tính cộng sinh giữa các tộc người thiểu số và đa số, giữa người miền núi và miền xuôi trong suốt hàng nghìn năm của lịch sử dân tộc. Sự tương tác và kết nối mang tính hữu cơ này, như nhiều nghiên cứu về lịch sử, nhân học, văn hóa và tôn giáo đã chỉ ra, đã, đang và sẽ trở thành nền tảng quan trọng cho sự hình thành và phát triển của các thực hành văn hóa, xã hội và kinh tế của tất cả các tộc người ở khắp các vùng miền trên cả nước. Thêm vào đó và quan trọng hơn, việc lý giải sự đa dạng văn hóa theo cách nhìn cao thấp của tiến hóa luận đơn tuyến cũng đã bỏ qua các sáng tạo văn hóa và hệ thống tri thức địa phương phong phú va giàu có của các tộc người thiểu số để họ thích ứng và tồn tại bền vững hàng trăm năm trong lịch sử phát triển của tộc người với các tiểu môi trường khác nhau. Ví dụ, phương thức canh tác nương rẫy cổ truyền của các tộc người thiểu số - một mô hình canh tác nông nghiệp đảm bảo sự bền vững về môi trường và đưa lại hiệu quả cao về năng suất nhưng lại hiện lên trong diễn ngôn phát triển như là mô hình nông nghiệp “nguyên thủy” với hàng loạt thuộc tính tiêu cực. Tương tự như vậy, hình thức sở hữu cộng đồng không phải là mô hình sờ hữu “lạc hậu” mà nó là cách thức đem lại tính công bằng, công lý cho tất cả mọi thành viên trong cộng đồng trong tiếp cận với nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mô hình tổ chức gia đình và hôn nhân mẫu hệ gắn với ngôi nhà dài của người Ê Đê và Cơ Ho, thay vì là một hình thức hôn nhân “lỗi thời” được thực hành ở thời nguyên thủy như được hình dung trong các diễn ngôn, đã từng đóng vai trò như “một mạng lưới xã hội an toàn cho những người phụ nữ, là thiết chế duy trì và phát huy tính cố kết cộng đồng”,...
Cách nhìn nhận không đúng về đa dạng văn hóa có thế tạo ra nhiều hệ quả không mong đợi nếu hệ thống tri thức dựa trên cách nhìn nhận, lý giải này được sử dụng như là cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách phát triển có quy mô và khả năng tác động lớn đến các tộc người.
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, trên cơ sở tiếp thu và vận dụng các khuynh hướng tiếp cận mới, nghiên cứu về đa dạng văn hóa ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Ngày càng nhiều nghiên cứu đã nhìn nhận đa dạng văn hóa, đa dạng bản sắc tộc người, quốc gia từ quan điếm kiến tạo luận và từ góc nhìn của những người trong cuộc.
30 bài viết trong cuốn sách này không ghi nhận được toàn bộ bức tranh đa dạng văn hóa ở Việt Nam hiện nay song cũng đã đề cập đến nhiều hình thức biểu đạt văn hóa khác nhau ở các tộc người khác nhau từ góc nhìn lịch sử cũng như từ lát cắt đương đại, như sinh kế, tri thức, thực hành tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, âm nhạc, nghệ thuật,... Một số bài viết đã đề cập đến các biểu đạt và thực hành văn hóa mới như không gian sáng tạo ở đô thị, văn hóa giới trẻ Việt Nam trong bối cảnh của sự phát triển truyền thông và chủ nghĩa tiêu dùng, buôn bán vỉa hè, giỗ tiếp sức,... Mỗi bài viết có thể khác nhau về vấn đề nghiên cứu, cách tiếp cận, phương pháp hay đối tượng nghiên cứu song đều là những những mảnh ghép sinh động cho bức tranh đa dạng văn hóa hiện nay, góp phần khẳng định đa dạng là một thuộc tính căn bản của văn hóa Việt Nam và cũng là nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước Tôn trọng và làm giàu đa dạng văn hóa là thông điệp chung của các bài viết cũng như của cả cuốn sách này mong muốn gửi tới quý bạn đọc.
Trân trọng cám ơn!
MỤC LỤC
Ứng xử với Tết đón năm mới của các tộc người thiểu số và vấn đề tôn trọng tính đa dạng văn hóa
Trần Hữu Sơn
Bà vừa là Mẹ Po Ina Nagar vừa là Mẫu Thiên Y A Na vừa là Phật Bà: cộng sinh văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo ở Tháp Bà, Nha Trang
Hoàng Cầm, Nguyễn Thị Hiền
“Truyện Kiều của dân tộc Thái”: Xổng Chụ Xon Xao và câu chuyện dịch thuật, quảng bá
Phạm Đặng Xuân Hương
Hiện tượng sáng tác song ngữ và con đường hội nhập, phát triển của văn học đương đại đa tộc người ở miền núi phía Bắc Việt Nam
Đặng Thị Thu Hà
Xây dựng “văn hóa quốc gia” của người Hmông ở vùng biên giới Việt - Trung
Trần Đức Tùng
Nhạc chiêng ở buôn làng: sự sáng tạo, tính xã hội và khía cạnh Công giáo của âm nhạc cồng chiêng trong đời sống thường ngày
Trần Hoài
Bảo tồn và phát huy tri thức văn hóa bản địa của người Tây Nguyên
Nguyễn Thị Loan Anh, Lê Thị Minh Trâm
Văn hóa của người Nùng xã Cốc Rế, huyện Xín Mần, Hà Giang trong phát triển du lịch văn hóa hiện nay
Phạm Văn Dương
Nghi lễ then chuộc binh mã và vai trò cố kết cộng đồng (nghiên cứu ở một bản người Tày - Nùng vùng miền núi phía Bắc)
Lý Viết Trường
Triển vọng cho phát triển du lịch An Giang từ sự đa dạng văn hóa tộc người: trường hợp nghề dệt truyền thống
Dương Trường Phúc
Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Ariya của người Chăm
Bá Minh Truyền
Sự duy tình trong văn hóa mưu sinh truyền thống của người Dao ở một xã miền núi phía Bắc Việt Nam
Lý Cẩm Tú
Không gian sáng tạo: nơi chốn cho các biểu đạt văn hóa đa dạng
Phạm Thị Hương
Môt số biểu đạt văn hóa của tranh cổ động Việt Nam
Nguyễn Mỹ Thanh
Công nghiệp văn hóa và chính sách phát huy sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội
Nguyễn Thị Thu Phương
Buôn bán vỉa hè - chiến lược đàm phán và thương thỏa trong không gian công cộng (nghiên cứu trường hợp phố Tô Hiệu, Nghĩa Tân, Hà Nội)
Hồ Thị Thanh Nga
Sự hình thành và phát triển nhạc Rap trong văn hóa Việt Nam đương đại
Nguyễn Minh Tiến
Đa dạng sinh kế của người dân ven đô trong quá trình đô thị hóa
Lê Việt Liên
Ảnh hưởng của văn hóa đại chúng nước ngoài tới giới trẻ Việt Nam hiện nay
Đinh Việt Hà
Ông đám trong lễ hội Đình Trà Cổ: vai trò, vị thế và những chiều kết nối
Nguyễn Thị Phương Châm
“Tứ trấn Lạng Sơn” từ góc nhìn văn hóa sử: lựa chọn “gánh nặng của hiện tại cho quá khứ” hay “sáng tạo truyền thống”
Chu Xuân Giao
Từ “không mộ” đến “mộ xây”: sự nan giải trong quan hệ giữa pháp lý và tập quán chôn cất ở một số tộc người Việt Nam
Nguyễn Thanh Tùng
“Giỗ tiếp sức”: sự gia tăng quan hệ xã hội truyền thống trong bối cảnh phi nông nghiệp hóa ở một làng Bắc Bộ
Nguyễn Giáo
Văn hóa quan họ và lễ hội làng Diềm (Bắc Ninh)
Đinh Thị Thanh Huyền
Tục lệ “đi ăn cỗ lấy phần” là hủ tục hay mỹ tục? (Qua trường hợp làng Khả Lương, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình)
Lê Thị Thanh Nguyên, Nguyễn Bá Tuyến
Vai trò của phụ nữ qua việc khôi phục thiết chế văn hóa truyền thống (trường hợp xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội)
Lê Thị Phượng
Mô tả âm nhạc trong nghiên cứu dân tộc học ở Việt Nam hiện nay: vấn đề bảo vệ sự đa dạng các biểu đạt văn hóa
Kiều Trung Sơn
Phát huy sự đa dạng văn hóa trong phát triển du lịch ở miền Tây Nam Bộ
Lưu Tuấn Anh
Type (Kiều truyện) “Đứa con rái cá” qua truyền thuyết về Đinh Tiên Hoàng (Việt Nam) và các bậc đế vương khu vực Đông Á
Bùi Thị Thiên Thai
Đa dạng văn hóa: từ cơ sở pháp lý tới hành động của Liên minh Châu âu
Trần Thị Khánh Hà
Tổng quan về chính sách đa ngôn ngữ của Nhật Bản nhìn từ khía cạnh đa dạng văn hóa
Phan Tuấn Ly
“Sức mạnh mềm” Việt Nam dưới góc nhìn đa dạng văn hóa
Nguyễn Tuấn Bình, Nguyễn Hữu Phúc